Nước Nga tìm cách đối phó với cơn khủng hoảng giá dầu

Giới chuyên gia nhận định với những động thái không phối hợp trong thời gian qua, Nga đang tạo ra một mối tương quan lực lượng mới trên thị trường dầu mỏ.
Nước Nga tìm cách đối phó với cơn khủng hoảng giá dầu ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Fortune)

Năm 2016, Nga thực hiện một chiến lược mới: Liên minh với các nước xuất khẩu dầu lửa trong khuôn khổ OPEC+ (gồm các thành viên thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những nhà sản xuất lớn ngoài khối). Chiến lược này đã tồn tại cho đến ngày 6/3/2020.

Chuyên gia Gérard Vespierre , Chủ tịch Hội đồng Chiến lược trên tờ La Tribune phân tích, khi tỏ thái độ không phối hợp, điện Kremlin đang tạo ra một mối tương quan lực lượng mới trên thị trường dầu mỏ. Phản ứng của Saudi Arabia đã làm giá dầu tụt thê thảm. Nền kinh tế Nga bắt đầu bị tác động. Liệu nước Nga có lường hết được các hậu quả khác nhau của chiến lược này hay không?

Chiến lược đưa ra năm 2016 của Nga là gì?

Trong khuôn khổ OPEC+, kể từ năm 2016, Nga phối hợp với OPEC để giảm sản lượng dầu thô nhằm giữ giá dầu và nguồn thu. Chiến lược của Nga còn có mục tiêu khác rất rõ ràng: Gây khó khăn và thậm chí đẩy các nhà sản xuất Mỹ ra khỏi thị trường năng lượng do giá thành khí đá phiến của Mỹ cao hơn giá dầu của Nga.

Điện Kremlin đưa ra chính sách này có lẽ có hai lý do. Lần thứ nhất có tính chất trực tiếp và địa lý gần, khi thấy Mỹ phản đối việc cung cấp khí đốt từ Nga sang Đức bằng các lệnh trừng phạt nhằm vào những tập đoàn tham gia xây dựng dự án đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Bắc 2.

Lần thứ hai là vào năm 2010, khi thị phần năng lượng của Mỹ tăng ổn định, gây thiệt hại cho các nhà sản xuất chính và các hãng xuất khẩu dầu của Nga. Kể từ năm đó, Mỹ - nhờ vào dầu đá phiến-hầu như tăng gấp đôi thị phần trên thị trường năng lượng toàn cầu. Hiện thị phần do nước này nắm giữ vào khoảng 14% thị trường dầu thế giới.

Trong bối cảnh nhu cầu tiêu thụ tại Trung Quốc giảm, khối OPEC đề nghị Nga cùng giảm sản lượng là 1,5 triệu thùng/ngày. Không như mọi khi, lần này nước Nga đột nhiên từ chối. Theo ông Gérard Vespierre, Nga đột ngột thay đổi chiến lược có lẽ là kết quả phân tích và ảnh hưởng của Chủ tịch tập đoàn dầu khí Rosneft, ông Igor Sechin.

Phản ứng của các nước OPEC

Trước thái độ thay đổi đột ngột của Nga, Riyadh không hề phản ứng chậm trễ. Saudi Arabia đã có phản ứng nhanh chỉ vài giờ sau khi Nga đưa ra lời từ chối. Chiến lược của Saudi Arabia gây bất ngờ không chỉ vì tốc độ nhanh, mà cả việc thay đổi đường hướng và quy mô của chiến lược.

Sau khi đề nghị giảm sản lượng để tăng giá dầu nhưng không được đáp ứng, Saudi Arabia thông báo hạ giá ngay tức thì, từ 4-10 USD/thùng dầu, và tăng 25% sản lượng kể từ ngày 1/4. Saudi Arabia còn cho biết ngoài mức tăng nêu trên, nước này sẵn sàng tăng thêm sản lượng một triệu thùng/ngày và có thể lên mức 13 triệu thùng/ngày.

Như một phản ứng dây chuyền, vài ngày sau, đến lượt Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE) và Kuwait thông báo tăng sản lượng thêm một triệu thùng/ngày. Iraq, Nigeria sau đó cũng tăng mức sản xuất. Chỉ trong vòng chưa đầy một tuần, đối đầu chiến lược giữa Moskva và Riyadh biến thành cuộc đọ sức giữa OPEC và Nga. Chuyến thăm Moskva của Quốc vương Salmane và chuyến công du Riyadh của Tổng thống Vladimir Putin có nguy cơ trở thành những ý niệm xa vời về tầm ảnh hưởng của Nga tại Trung Đông.

Nga đáp trả ra sao?

Mọi cặp mắt giờ đều đổ dồn về điện Kremlin. Trước mắt, Bộ trưởng Năng lượng Nga Aleksander Novak cẩn trọng khẳng định rằng ngân sách của Nga cho năm 2020 được lập trên cơ sở mức bán 42 USD/thùng dầu. Chuyên gia Gérard Vespierre cho rằng các số liệu này khá gây ngạc nhiên bởi vì giá dầu thô trong những năm 2018 và 2019 lần lượt ở các mức 69 USD/thùng và 65 USD/thùng.

Do vậy, dựa theo cơ sở này, việc dự báo mức giá bán tương lai thấp hơn đến 38% là điều khá nghịch lý, nhất là sau khi Tổng thống Putin có tuyên bố là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, mở rộng đầu tư sẽ là mục tiêu quản lý của ông.

Trong khi đó, hãng tin Bloomberg mới đây dẫn các nguồn tin thân cận với Chính phủ Nga cho biết nước này đã chuẩn bị kịch bản giá dầu giảm xuống còn 20 USD/thùng sau khi thỏa thuận với Saudi Arabia đổ vỡ, và Điện Kremlin sẽ không là người đầu tiên yêu cầu "đình chiến". Hãng tin trên lưu ý rằng Chính phủ Nga đã chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng như vậy trong nhiều năm và tự tin họ có thể cầm cự lâu hơn Saudi Arabia.

Bloomberg nhấn mạnh Tổng thống Nga Vladimir Putin đã từ chối nhượng bộ trước áp lực. Đây là một trong những nguyên tắc điều hành nền kinh tế và điều này đã chứng tỏ ông đúng trong cuộc đối đầu với Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria và cuộc chiến trừng phạt với phương Tây khi các nước này áp đặt lệnh trừng phạt Nga.

Một trong các nguồn tin của Bloomberg tiết lộ ông Putin không phải là người dễ bị khuất phục. Ba nguồn tin khác giấu tên bày tỏ tin tưởng ông Putin có đủ kinh nghiệm để vượt qua cuộc khủng hoảng hiện tại. Ông Alexander Dynkin, Chủ tịch Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế của Viện Hàn lâm Khoa học Nga, phân tích. “Ông Putin nổi tiếng không chấp nhận sức ép.

[Cuộc chiến giá dầu - Khởi đầu của một trật tự thế giới dầu mỏ mới?]

Theo ông Dynkin, Tổng thống Putin đã chứng minh ông sẵn sàng cạnh tranh khốc liệt để bảo vệ lợi ích quốc gia cũng như duy trì hình ảnh chính trị của mình với tư cách “một người mạnh mẽ. Tuy nhiên, ông Dynkin cũng bày tỏ tin tưởng rằng chính quyền Nga vẫn đủ minh mẫn để không từ chối đàm phán.

Các nguồn tin của Bloomberg xác nhận Điện Kremlin vẫn sẵn sàng hợp tác theo thể thức OPEC+, nhưng chỉ theo các điều hiện của mình. Theo hai nguồn tin, đề xuất của Nga, đã bị Saudi Arabia từ chối trước đó là không giảm thêm sản lượng dầu và kéo dài thỏa thuận cắt giảm được ký kết trước đó cho đến tháng Sáu vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Giám đốc phụ trách nhóm tài nguyên và hàng hóa của Fitch, Dmitry Marinchenko đã nghi ngờ khả năng Riyadh sẽ chấp nhận đề xuất này. “Điều này, về bản chất, có nghĩa là họ thua Nga và mất mặt”, chuyên gia này bình luận.

Ngày 19/3, Leonid Fedun, đồng sở hữu kiêm Phó Chủ tịch công ty dầu mỏ tư nhân lớn nhất của Nga LukOil, cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng ngay cả những người ủng hộ Nga rút khỏi thỏa thuận với OPEC cũng không thể tưởng tượng được “trong cơn ác mộng” rằng họ sẽ phải bán dầu với giá 25 USD/thùng.

Về phần mình, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, nói với các phóng viên rằng không được coi giá dầu giảm là thảm họa. Ông Peskov lưu ý đã có lúc giá dầu thậm chí còn thấp hơn và Nga có biên độ an toàn vững chắc để đảm bảo mọi nghĩa vụ an sinh xã hội của nước này. Trong khi đó theo ông Peskov, ngành dầu mỏ Mỹ đang ở “trạng thái lâm nguy.

Những hệ quả có thể với nền kinh tế Nga

Giới quan sát nhận định trong khi chờ đợi các phản ứng của Nga trong những tuần sắp tới, những diễn biến trên sẽ bắt đầu tác động đến nền kinh tế Nga. Giá dầu trên thế giới tst giảm mạnh, trong đó của Rosneft là 42%. Trên thị trường chứng khoán, nếu chỉ số Dow Jones bị mất điểm 20%, thì RTS của Nga mất đến 36%. Đồng nội tệ ruble trượt giá đến 20% so với đồng USD.

Trả bằng USD hay euro, các hãng dầu khí của Nga rất có thể có thêm một nguồn thu ngoại tệ nhờ vào việc đồng ruble mất giá. Nhưng khi mức giảm giá một thùng dầu cao hơn mức mất giá của đồng ruble, các nguồn thu nhập bằng đồng ruble trong một giai đoạn trên thực tế sẽ bị giảm đi.

Quyết định chiến lược của Nga nhằm làm chao đảo các nhà sản xuất dầu đá phiến của Mỹ cuối cùng rất có thể gây ra một tình trạng tiêu cực mạnh mẽ cho chính nước này. Cổ phiếu của những doanh nghiệp có niêm yết trên sàn chứng khoán bị mất giá mạnh, qua đó tác động nhiều đến chỉ số nợ của họ. Đồng ruble mất giá đến 20% sẽ dẫn đến tình trạng tăng giá tất cả các mặt hàng nhập khẩu.

Lạm phát vừa được giảm xuống ở mức 3-4% có thể sẽ lại tăng lên. Đó là chưa nói đến việc lãi suất Ngân hàng trung ương Nga từ hai năm qua thường xuyên bị hạ và hiện ở mức khoảng 6%.

Tất cả những điều này đều đi ngược lại với những gì cần thiết cho một chính sách tăng trưởng và đầu tư như Nga cam kết. Thực tế kinh tế khá phũ phàng. Hơn nữa, chính quyền Mỹ và các nhà sản xuất khí đá phiến sẽ không ngồi yên. Chiến lược “mở van dầu” mà Saudi Arabia từng thực hiện trong năm 2015 khiến giá dầu xuống đến mức 27 USD/thùng. Nhưng nó đã không thể nào hạ gục được các đối thủ Mỹ và phải chấm dứt vào ngày 20/1/2016.

Cuộc đọ sức Nga và Saudi Arabia sẽ còn đẩy giá dầu xuống thấp đến đâu, kéo dài trong bao lâu, nhất là trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với một trận đại dịch? Có một điều thấy rõ là hậu quả của chiến lược này sẽ còn đè nặng lên nền kinh tế của Nga nếu như chiến lược đó ngày càng trở nên triệt để hơn. Giới quan sát đặt ra câu hỏi: Liệu rằng điện Kremlin, vốn rất hợp lý trong các tính toán rủi ro, có từ bỏ tư duy đó lần này hay không./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục