Nước sinh hoạt bẩn, dân có quyền khiếu nại và không trả tiền

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, trong trường hợp nước sinh hoạt bẩn, đơn vị cấp nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do những sai sót trong quá trình cung cấp dịch vụ.
Ảnh minh hoạ. (Minh Sơn/Vietnam+).

Liên quan tới sự cố nước sông Đà nhiễm bẩn khiến cho hàng vạn người dân tại Hà Nội lâm vào “cơn khát” kéo dài nhiều ngày, dư luận tiếp tục đặt ra những dấu hỏi lớn về trách nhiệm đơn vị cung cấp dịch vụ – Viwasupco. Điều này càng đáng chú ý hơn đại diện công ty này vẫn kiên quyết từ chối xin lỗi khách hàng khi đưa “sản phẩm lỗi” tới tay người tiêu dùng và cho rằng “chúng tôi mới là những người chịu thiệt hại nhiều nhất” sau sự cố.

Để cung cấp cho bạn đọc cái nhìn chi tiết hơn về quyền khiếu nại, phóng viên Báo điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi nhanh với luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng Văn phòng Tinh thông Luật) về các vấn đề pháp lý xung quanh mối quan hệ giữa khách hàng và nhà cung cấp dịch vụ.

Theo luật sư Bình, sử dụng nước sạch và hệ thống vệ sinh trong sinh hoạt là một trong những quyền cơ bản của con người. Điều này đã được thể hiện ở việc vào tháng 7/2010 với đa số phiếu thuận, Đại hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua một nghị quyết công nhận quyền này.

[Nhà máy nước sông Đà chưa có hệ thống cảnh báo tự động và xử lý nano]

“Cụ thể, Nhà nước phải tạo ra những điều kiện, quy tắc, dự án đầu tư hoặc điều kiện đầu tư thích hợp để cải thiện tình trạng cung cấp nước sạch cho người dân. Đáp ứng quyền sử dụng nước sạch có nghĩa là mỗi người phải được tiếp cận nguồn nước vệ sinh, có thể tiếp nhận và trả tiền. Ngoài ra, nguồn nước đó phải được cung cấp đủ cho nhu cầu sinh hoạt cá nhân. Hệ thống vệ sinh trong sinh hoạt cũng phải an toàn, vệ sinh...,” luật sư Bình giải thích.

Đối chiếu với hệ thống quy phạm pháp luật tại Việt Nam, người đứng đầu Văn phòng Tinh thông Luật cho biết thêm, Nghị định 117 năm 2007 của Chính phủ quy định về Hợp đồng dịch vụ cấp nước như sau: Hợp đồng dịch vụ cấp nước là văn bản pháp lý được ký kết giữa đơn vị cấp nước với khách hàng sử dụng nước. Hợp đồng dịch vụ cấp nước bao gồm các nội dung cơ bản sau: Chủ thể hợp đồng; Mục đích sử dụng; Tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ; Quyền và nghĩa vụ của các bên...

“Căn cứ theo Nghị đình này, đơn vị cấp nước có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho khách hàng sử dụng nước do những sai sót trong quá trình cung cấp dịch vụ không đúng với các điều khoản ghi trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước. Khiếu nại của khách hàng sử dụng nước phải được gửi cho đơn vị cấp nước trong khoảng thời gian 10 ngày kể từ khi phát hiện sai sót. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm xem xét, giải quyết khiếu nại trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại của khách hàng sử dụng nước,” ông Bình nhấn mạnh.

[Viwaco thau rửa bể chung cư phát hiện nước đen kịt nồng nặc mùi]

Đáng chú ý, điều 48 của Nghị định 117 cũng quy định rõ về quy trình thanh toán tiền nước. Theo đó, khách hàng sử dụng nước phải thanh toán đủ và đúng thời hạn số tiền nước ghi trong hóa đơn cho đơn vị cấp nước. Phương thức, hình thức và địa điểm thanh toán do hai bên thỏa thuận trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước.  Khách hàng sử dụng nước chậm trả tiền nước quá 1 tháng so với thời hạn thanh toán được quy định trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước thì phải trả cả tiền lãi của khoản tiền chậm trả cho đơn vị cấp nước. 

(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Đơn vị cấp nước thu thừa tiền nước phải hoàn trả cho khách hàng sử dụng nước khoản tiền thu thừa bao gồm cả tiền lãi của khoản tiền thu thừa nếu thời điểm hoàn trả sau một tháng so với thời điểm đã thu thừa tiền nước. Lãi suất của số tiền chậm trả hoặc thu thừa do các bên thỏa thuận trong Hợp đồng dịch vụ nhưng không vượt quá lãi suất cho vay cao nhất của Ngân hàng mà đơn vị cấp nước có tài khoản ghi trong Hợp đồng dịch vụ cấp nước tại thời điểm thanh toán.

Đặc biệt, khách hàng sử dụng nước có quyền yêu cầu đơn vị cấp nước xem xét lại số tiền nước phải thanh toán. Khi nhận được yêu cầu của khách hàng sử dụng nước, đơn vị cấp nước có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 15 ngày làm việc.

Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của đơn vị cấp nước, khách hàng sử dụng nước có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hòa giải. Nếu không đề nghị hòa giải hoặc hòa giải không thành, khách hàng sử dụng nước có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong thời gian chờ giải quyết, khách hàng sử dụng nước vẫn phải thanh toán tiền nước và đơn vị cấp nước không được ngừng dịch vụ cấp nước.

Dựa trên những căn cứ trên, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, trong trường hợp phát hiện nước bẩn sau sự cố sông Đà, người dân hoàn toàn có quyền khiếu nại và không nộp tiền.

Theo luật sư Bình, người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố nước sạch sông Đà nên chuẩn bị các loại hoá đơn, chứng từ liên quan sau đó yêu cầu đơn vị cấp nước xem xét giải quyết khiếu nại của mình./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục