Nuôi hổ theo chuẩn nào?

Chưa có quy chuẩn về việc nuôi thí điểm thú dữ

Vụ con hổ khu du lịch Đại Nam cắn chết người có nguyên nhân là việc nuôi thí điểm thú dữ thiếu quy chuẩn quản lý Nhà nước.
Vụ con hổ của Khu du lịch Đại Nam ở Bình Dương cắn chết người xuất phát từ nhiều nguyên nhân tồn tại, trong đó nguyên nhân lớn nhất là việc cho nuôi thí điểm thú dữ nhưng thiếu quy chuẩn quản lý của Nhà nước.

Đến ngắm thú rồi về?

Tiếp theo vụ hổ cắn chết người, đoàn công tác cơ quan kiểm lâm vùng III và Kiểm lâm Bình Dương vào cuộc điều tra thực trạng và nguyên nhân vụ việc. Các quan chức kiểm lâm thừa nhận rằng đến nay chưa có văn bản hay quy định nào về quy chuẩn chuồng trại nuôi thú dữ, đặc biệt là nuôi hổ, nên rất khó kiểm soát được.

Ông Trần Văn Nguyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Bình Dương cho biết, ngay từ năm 2007, các cơ sở nuôi nhốt thú dữ, trong đó có loài hổ đều căn cứ theo Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 20/8/2006 về “Quản lý hoạt động cuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.”

Nghị định này được xây dựng trên cơ sở Việt Nam là nước thành viên tham gia “Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp”, được gọi là Công ước CITES.

Theo đó trong năm 2007, Chính phủ đã cho phép 3 cơ sở nuôi hổ với tư cách là nuôi động vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng gồm Công ty bia Thái Bình Dương (huyện Dĩ An), khu du lịch Thanh Cảnh (huyện Thuận An) và khu du lịch Đại Nam (thị xã Thủ Dầu Một).

Sau khi Chính phủ cho ba đơn vị được gây nuôi thí điểm động vật hoang dã, nhiều cơ quan gồm CITES Việt Nam, Kiểm lâm vùng III, Kiểm Lâm Bình Dương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường đã thành lập Hội đồng thẩm định phương án của các trại nuôi thí điểm.

Nhưng gần 2 năm qua các cơ quan nhà nước liên tục kiểm tra để làm gì? Dư luận cho rằng, không có quy chuẩn thì căn cứ đâu để thẩm định, kiểm tra. Không lẽ các đợt kiểm tra được tổ chức chỉ để cho các quan chức đến... ngắm thú?

Nuôi thí điểm chỉ khổ kiểm lâm

Do Việt Nam đã là thành viên của CITES, việc nuôi hổ của các cơ sở này chủ yếu là phục vụ cho công tác gây nuôi nhằm bảo tồn loài động vật có nguy cơ tuyệt chủng như hổ nhằm phục vụ cho công tác khoa học, tham quan, giáo dục nâng cao ý thức trách nhiệm trong cộng đồng, tuyệt đối không sử dụng dùng cho mục đích, kinh doanh thương mại.

Thực tế, quá trình nuôi thí điểm bước đầu đã có những thành công cho mục đích bảo gồn, gây nuôi sinh sản. Cụ thể, các cơ sở này bắt đầu có những kết quả khích lệ, riêng ở khu du lịch Đại Nam đến nay đã có 8 con hổ được sinh sản.

Tuy nhiên, theo ông Trần Văn Nguyên, Phó chi cục Kiểm lâm Bình Dương, việc cho nuôi thí điểm động vật hoang dã mà không ban hành các quy chuẩn trong nuôi thú dữ khiến kiểm lâm gặp rất nhiều khó khăn trong khâu quản lý nhà nước.

Mặc dù hàng năm kiểm lâm phối hợp với các ngành chức năng tiến hành kiểm tra thường xuyên, đôn đốc các chủ trại nuôi thú hoang dã thực hiện các biện pháp bảo đảm tuyệt đối cho người và đàn thú, nhưng đến nay, các đơn vị vẫn gặp khó khăn do chưa có quy chuẩn nào đưa ra.

Dư luận ở Bình Dương lên tiếng, nếu chưa có quy chuẩn rõ ràng thì không nên tiếp tục cho nuôi “thí điểm” khi các quy trình cũng như phương án, mô hình chuồng trại nuôi cấy, sinh sản vẫn còn thiếu sự hiểu biết về góc độ khoa học, nhất là độ an toàn cho các loại thú dữ và người dân.

Sau sự cố nghiêm trọng vừa qua, ông Huỳnh Uy Dũng, Tổng giám đốc Công ty Cổ Phần Đại Nam cho biết, hàng rào hiện tại sẽ được tăng thêm một lớp thứ hai cao 5m nhằm tuyệt đối an toàn, sau đó mới phục vụ du khách trở lại.

Ông Dũng cho hay, con hổ cắn chết người đã bị xử lý nhốt cách biệt và không còn được đưa vào phục vụ người xem.

Anh Nguyễn Công Danh bị hổ cắn chết đã được Công ty Cổ phần Đại Nam chịu hoàn toàn chi phí mai táng, anh Nguyễn Thanh Giàu cũng được lo toàn bộ viện phí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục