Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo kinh tế của Bồ Đào Nha trong năm 2014 tăng 0,8%, thấp hơn con số 1,1% do Chính phủ đưa ra.
Cũng theo dự đoán của OECD, tăng trưởng kinh tế của nước này trong năm 2015 và 2016 ước đạt 1,3% và 1,5%, đều thấp hơn mức dự báo của Chính phủ Tây Ban Nha (lần lượt ở mức 1,5% và 1,7%).
Ông Angel Gurria, Tổng thư ký OECD, cho biết nguyên nhân OECD “không lạc quan” bằng Chính phủ Bồ Đào Nha khi đánh giá kinh tế nước này.
Bồ Đào Nha đã thoát khỏi tình trạng vỡ nợ năm 2011 nhờ việc nhận được gói cứu trợ quốc tế trị giá 78 tỷ euro (100 tỷ USD) từ Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - đã kết thúc trong năm nay.
Tuy nhiên, để đổi lấy gói cứu trợ này, chính quyền Lisbon đã phải thực hiện một loạt chính sách "thắt lưng buộc bụng,'' trong đó có cắt giảm chi tiêu, sa thải bớt lao động... khiến cuộc sống của người dân càng thêm khó khăn.
Nợ công của Bồ Đào Nha hiện vẫn còn ở mức rất cao, chiếm 129,4% GDP. Bồ Đào Nha cũng đang trên đường hướng đến mục tiêu thâm hụt ngân sách trong năm 2015 đạt giới hạn cho phép của Liên minh châu Âu (EU).
Rõ ràng, hy vọng về một tương lai “xán lạn” đối với kinh tế nước này là có thể xảy ra. Tỷ lệ thất nghiệp năm nay cũng đã giảm so với năm trước.
Tuy vậy, ông nhấn mạnh kinh tế Bồ Đào Nha cần tăng trưởng mạnh hơn nữa, gia tăng năng suất, tính cạnh tranh, cũng như xuất khẩu. Đất nước này cần phải nỗ lực nhiều hơn trong “giai đoạn khó khăn” và dễ tổn thương này./.