OIC kêu gọi xây dựng luật cấm thù địch tôn giáo

Ngoại trưởng các nước Hồi giáo đã kêu gọi cần xây dựng đạo luật quốc tế cấm các hành động xúc phạm gây kích động thù địch tôn giáo.
Ngoại trưởng các nước Hồi giáo ngày 28/9 đã kêu gọi cần xây dựng đạo luật quốc tế cấm các hành động xúc phạm gây kích động thù địch tôn giáo, trong bối cảnh bộ phim phỉ báng đạo Hồi do một người Cơ đốc giáo Ai Cập di cư sang Mỹ sản xuất đang làm dấy lên làn sóng phản đối Mỹ và phương Tây trên khắp thế giới thời gian qua.

Phát biểu tại một cuộc họp bên lề khóa họp lần thứ 67 của Đại hội đồng Liên hợp quốc đang diễn ra tại thành phố New York, Mỹ, các ngoại trưởng đến từ các 57 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (OIC) nhấn mạnh việc tự do ngôn luận cần phải đi kèm với trách nhiệm, đồng thời kêu gọi chính phủ các nước trên thế giới nhanh chóng có những biện pháp hợp lý, bao gồm ban hành các đạo luật cần thiết nhằm chống lại các hành vi xúc phạm tôn giáo dẫn đến các hành động thù địch, phân biệt chủng tộc và bạo lực.

Các ngoại trưởng của OIC đồng thời lên án các hành vi phân biệt chủng tộc, bêu xấu, thù ghét và bạo lực chống lại các tín đồ Hồi giáo cũng như hành động phỉ báng tôn giáo sau khi đoạn phim có nội dung xúc phạm đạo Hồi được tung lên mạng.

[Biểu tình phản đối phim chống đạo Hồi vẫn lan rộng]


Tuyên bố của các ngoại trưởng nhấn mạnh: "Chúng tôi thừa nhận tầm quan trọng của tự do chính kiến, song cần đảm bảo điều này phải đi kèm với trách nhiệm cũng như tuân thủ các điều luật nhân quyền quốc tế."

Các ngoại trưởng OIC đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế nâng cao ý thức về những tác động nghiêm trọng đối với nền an ninh và hòa bình thế giới hậu quả từ các hành vi kích động thù địch tôn giáo mang lại.

Lời kêu gọi của các ngoại trưởng OIC được đưa ra một ngày sau khi Mỹ thông báo đã bắt giữ Basseley Nakoula tại Los Angeles, Mỹ, người được cho là nhà sản xuất kiêm đạo diễn bộ phim trên với cáo buộc vi phạm thời hạn quản thúc do liên quan đến một vụ gian lận tài chính năm 2010.

Tại phiên họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã lên án bộ phim, song vẫn kêu gọi người dân được quyền tự do ngôn luận.

Trước đó, ngày 21/9, OIC cũng đã đề xuất xây dựng đạo luật quốc tế cấm xúc phạm tôn giáo. Tuy nhiên, Hội đồng Giáo hội thế giới, tổ chức có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ) và tập hợp đại diện các nhánh khác nhau của Cơ đốc giáo, lại phản đối một đạo luật như vậy. Theo tổ chức này, một đạo luật tương tự ở cấp quốc tế sẽ chỉ phục vụ lợi ích của đạo Hồi và sẽ làm gia tăng tình trạng bất khoan dung tôn giáo.

Trong khi đó, làn sóng biểu tình phản đối bộ phim tiếp tục nổ ra tại nhiều nước châu Á. Ngày 29/9, tại thủ đô Islamabad của Pakistan, hàng trăm luật sư đã tuần hành đến Đại sứ quán Mỹ, chuyển cho các nhân viên sứ quán kiến nghị phản đối, yêu cầu Chính phủ Mỹ cấm phát hành bộ phim trên. Trước đó, các luật sư cũng đã tuần hành trước tòa nhà Quốc hội.

Hội đồng Difa-e-Pakixtan (DPC), tập hợp các chính đảng tôn giáo cho biết sẽ tổ chức một cuộc tuần hành lớn vào ngày 1/10, dự kiến hơn 100.000 người tham gia, để lên án việc chính quyền Mỹ từ chối cấm phát hành bộ phim. Các cuộc biểu tình đều diễn ra trong hòa bình, không có báo cáo về xảy ra bạo lực./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục