Ngày 9/2, Bộ trưởng Y tế Pakistan Faisal Sultan cho biết nước này đã cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vắcxin Sputnik V của Nga. Đây là vắcxin phòng COVID-19 thứ 3 được phê chuẩn sử dụng tại quốc gia Nam Á này sau vắcxin của hãng dược Sinopharm (Trung Quốc) cùng vắcxin do hãng AstraZeneca và Đại học Oxford (Anh) phối hợp bào chế.
Trong thông báo trên WhatsApp, Bộ trưởng Sultan nêu rõ: "Vắcxin Sputnik V đã được cấp phép sử dụng khẩn cấp." Vắcxin Sputnik V được tiêm hai liều, mỗi liều cách nhau 3 tuần. Vắcxin này có thời hạn sử dụng 6 tháng và được bảo quản ở nhiệt độ âm 18 độ C.
Trong khi đó, "ứng cử viên" vắcxin thứ 4 của công ty dược phẩm CanSino Biologics Inc (Trung Quốc) cũng đã hoàn tất các cuộc thử nghiệm lâm sàng tại Pakistan với 220 triệu dân.
Theo phân tích sơ bộ các xét nghiệm trên toàn cầu, vắcxin này mang lại 65,7% hiệu quả trong ngăn chặn các ca nhiễm biểu hiện triệu chứng và tỷ lệ thành công tới 90,98% trong ngăn chặn các ca bệnh nặng.
Pakistan đã triển khai chương trình tiêm chủng với 500.000 liều vắcxin của hãng Sinopharm. Nhân viên y tế trên tuyến đầu chống dịch là nhóm ưu tiên đầu tiên được tiêm chủng. Pakistan cũng đã đảm bảo có được 17 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 của hãng AstraZeneca theo cơ chế phân phối vắcxin COVAX do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng nhằm phân phối vắcxin cho những nước đang phát triển.
[WHO lên tiếng bảo vệ vắcxin ngừa COVID-19 của AstraZeneca]
Ấn Độ đặt mua thêm 14,5 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 để phục vụ chiến dịch tiêm chủng mở rộng trên cả nước. Chương trình tiêm chủng lớn nhất thế giới của nước này đặt mục tiêu từ nay đến tháng 8, tiêm phòng cho 300 triệu người với các đối tượng ưu tiên là nhân viên y tế, người cao tuổi và những người có bệnh nền.
Đại diện công ty Bharat Biotech cho biết Ấn Độ đặt mua thêm 10 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 của AstraZeneca và 4,5 triệu liều vắcxin sản xuất trong nước.
Viện Huyết thanh Ấn Độ (SII), nhà sản xuất vắcxin lớn nhất thế giới, cung cấp 11 triệu liều cho chiến dịch tiêm phòng cho 6,3 triệu nhân viên tuyến đầu tại Ấn Độ kể từ chiến dịch được triển khai ngày 16/1 vừa qua.
SII cho biết đơn đặt hàng mới 10 triệu liều đã được ký kết và đây là một phần của 100 triệu liều vắcxin mà viện này đồng ý bán cho Chính phủ Ấn Độ với giá 200 rupee (2,74 USD)/liều. Vắcxin COVISHIELD của SII đạt hiệu quả khoảng 72%.
Trong khi đó, công ty Bharat Biotech phát triển vắcxin COVAXIN đã ký hợp động cung cấp 5,5 triệu liều và sẽ cung cấp thêm 4,5 triệu liều. Dự kiến cuối tháng 3 tới, Bharat Biotech sẽ công bố kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối của vắcxin COVAXIN.
Cơ quan dược phẩm Ấn Độ dự kiến sẽ phê chuẩn vắcxin Sputnik V của Nga và vắcxin ZyCov-D của Cadila Healthcare trong vài tháng tới.
Số ca lây nhiễm COVID-19 tại Ấn Độ trong 24 giờ qua là 9.110 người, nâng tổng số bệnh nhân lên 10,85 triệu người, cao thứ hai thế giới sau Mỹ. Tổng số ca tử vong hiện là 155.000 người.
Cùng ngày 9/2, Iran đã bắt đầu chiến dịch tiêm phòng COVID-19. Phát biểu trong một buổi lễ tại một bệnh viện ở thủ đô Tehran, Tổng thống Iran Hassan Rouhani tuyên bố chiến dịch tiêm phòng COVID-19 toàn quốc còn có ý nghĩa quan trọng là tưởng nhớ sự hy sinh của các nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch.
Chính phủ Iran cho biết trong chương trình tiêm phòng cho hơn 80 triệu dân, nước này sử dụng vắcxin Sputnik V với số lượng ban đầu là khoảng 2 triệu liều.
Tuần trước, Bộ trưởng Y tế Saeed Namaki cho biết Iran cũng sẽ nhận được 4,2 triệu liều vắcxin của AstraZeneca thông qua cơ chế phân phối vắcxin quốc tế COVAX. Số bệnh nhân COVID-19 ở Iran là 1,4 triệu người, trong đó 58.500 người đã tử vong.
Iran bắt đầu thử nghiệm lâm sàng vắcxin đầu tiên phát triển trong nước vào cuối tháng 12 năm ngoái và ngày 8/2 vừa qua, nước này đã công bố dự án phát triển vắcxin trong nước thứ hai. Vắcxin này có tên Razi Cov Pars do Viện Nghiên cứu huyết thanh và vắcxin Razi phát triển.
Trong khi đó, Pháp cân nhắc sử dụng đồng thời nhiều loại vắcxin phòng COVID-19 cùng vắcxin AstraZeneca tại cả vùng lãnh thổ hải ngoại.
Trong thông báo ngày 9/2, Bộ trưởng Y tế Pháp Olivier Veran dự kiến tới cuối tháng 2 này, có khoảng 3,5 đến 4 triệu người Pháp sẽ được tiêm liều đầu tiên vắcxin phòng COVID-19.
Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế (AIFA) của Italy, ông Nicola Magrini cho biết Italy sẽ tiêm phòng cho ít nhất 10 triệu người mỗi tháng, kể từ Lễ Phục sinh vào ngày 4/4 tới.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Ethiopia Lia Tadesse thông báo nước này đảm bảo có tới 9 triệu liều vắcxin phòng COVID-19 cho tới tháng 4/2021.
Bộ trưởng Tadesse nêu rõ: "Từ nay cho đến tháng 4/2021, chúng tôi được phân bổ gần 9 triệu liều vắcxin. Trong năm nay, chúng tôi muốn đảm bảo có ít nhất 20% dân số được tiêm chủng."
Theo số liệu của WHO, Ethiopia đến nay ghi nhận hơn 142.000 ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 2.100 ca tử vong./.