1. Càng ngày, con người ta sống càng biết đeo đuổi giấc mơ, và mưu cầu hạnh phúc nhiều hơn. Chỉ có điều, viết nên những giấc mơ hoang đường thành hiện thực, chẳng bao giờ là dễ, với bất kỳ ai.
Hiện thực hóa giấc mơ trong nghệ thuật, còn khó hơn nhiều. Làm nên các cuộc "cách mạng" đâu chỉ bởi nỗ lực phi thường, khát vọng cấp tiến, hay cần một chút may mắn, mà còn là sự đánh cược, tổn thất, thậm chí điêu tàn.
Thực tế cũng trả lời, bên cạnh những khen chê, những ý tưởng táo bạo, dám làm mới trong nghệ thuật, cũng giống như canh bạc, việc thua nhiều hơn thắng luôn ở nguy cơ cao.
Ít ngày trước, thông tin được nhà tổ chức đêm nhạc “Peabo Bryson In The Spotlight” công bố với báo chí, về việc hủy đêm diễn ở Sài Gòn ngày 18/9, vì lý do không bán được vé là một ví dụ đắng chát của thất bại từ trứng nước của một “canh bạc” nghệ thuật.
Do không tạo được hiệu ứng với công chúng tại Thành phố Hồ Chí Minh, đêm nhạc Peabo Bryson In the spotlight rút xuống một đêm duy nhất tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Hà Nội vào ngày 12/9 .
Thực ra, để truy nguyên lý do thực sự của các nhà tổ chức chương trình nghệ thuật chất lượng cao trong nước thời gian gần đây, mời những nghệ sỹ nước ngoài danh tiếng như Richard Clayderman, Kenny G, Joss Stone, Peabo Bryson...về Việt Nam biểu diễn, là vì điều gì?
Nếu chỉ vì mưu cầu quảng bá và lợi ích thương mại, thì như diễn đạt của nhạc sỹ Hồng Kiên, đồng Giám đốc âm nhạc của chương trình Peabo Bryson In The Spotlight, hẳn là “phi vụ đánh bắt xa bờ” này quá phiêu lưu, vì cầm chắc lỗ!
2. Nói như thế, bởi để mời được những huyền thoại âm nhạc như Peabo Bryson đến Việt Nam biểu diễn quả không phải chuyện dễ dàng.
Ngoài câu chuyện bài toán kinh tế, nhà tổ chức phải "cân, đong, đo, đếm" con số cát sê lên tới cả triệu đô và ti tỉ thứ khác. Nhà tổ chức còn phải chứng thực sự uy tín và đắng cấp của thị trường âm nhạc Việt Nam có đủ sức quyến rũ các huyền thoại âm nhạc thế giới hay không?
Bởi giống những chuyến lưu diễn của các danh ca trên thế giới, Peabo Bryson không đến Việt Nam một mình.
Ở đẳng cấp của mình, ông luôn biểu diễn với ê kíp của mình gồm dàn nhạc, đạo diễn âm thanh… Ngược lại, phía nhà tổ chức In The Spotlight đã rất quyết tâm, căng hết mọi nguồn lực, tưởng như không thể để có thể chứng minh và đáp ứng mọi yêu cầu phía đại diện Peabo Bryson đưa ra, như: Sân khấu, hòa âm phối khí, âm thanh, ánh sáng cho đến khâu tổ chức, khách sạn năm sao, an ninh…
Vậy nên, sự hiện diện của huyền thoại Peabo Bryson, dù rút xuống một đêm duy nhất tại Trung tâm hội nghị Quốc gia Hà Nội (12/9) vẫn gây kinh ngạc và ngưỡng mộ, khi được “định dạng” bởi ý đồ nghệ thuật có vẻ yếm thế và điên rồ, bên cạnh ba ca sỹ trẻ mới nổi là Uyên Linh, Văn Mai Hương và Dương Hoàng Yến.
Dường như, bên cạnh nỗ lực muốn phổ cập, giao thoa, đêm nhạc Peabo Bryson In The Spotlight giống như “giấc mơ Mỹ” để nhà tổ chức liều lĩnh “đánh cược” vào những nghệ sỹ trẻ.
“Một nền âm nhạc chỉ loanh quanh trở lại những cái tên diva thực sự là nhàm chán. Trước một huyền thoại tầm cỡ thế giới như Peabo Bryson, chúng tôi muốn giới thiệu đến điều mới mẻ hơn, xa hơn, có giá trị dự báo về tương lai nền âm nhạc Việt Nam. Tâm thế của chúng tôi, khá tự do và ngẫu hứng. Nghệ sỹ trẻ Việt Nam ước muốn cầu thị và cọ sát. Là giấc mơ chăng nữa, nếu nói muốn so găng với huyền thoại sẽ thật lố bịch, được hát cạnh những đền đài sẽ gieo cho người trẻ khát khao, ngưỡng vọng nghệ thuật.”
“Chúng tôi muốn dành cơ hội cho những người trẻ. Chính những giá trị mới tạo nên áp lực cho chúng tôi đồng thời cũng kích thích sự sáng tạo bay bổng trong âm nhạc,” Giám đốc âm nhạc Hồng Kiên, trả lời trước nghi ngại về sự thiếu vắng bóng diva, divo nhạc Việt trong chương trình.
3. Cũng theo chia sẻ của bà Mỹ Trang, Phó Giám đốc công ty Mỹ Thanh - đơn vị sản xuất chương trình thì khởi nguồn từ đường thư điện tử, ê kíp đã được người đại diện Peabo Bryson hồi đáp sau bức thư ngỏ thứ ba.
“Chẳng phải nói hẳn mọi người cũng đoán được cảm giác hạnh phúc của chúng tôi lúc đó. Người tôi như rụng rời, nuốt lấy từng chữ, từng câu hỏi của phía đại diện của Peabo Bryson về nhà tổ chức, quy mô, kinh nghiệm tổ chức, âm thanh, ánh sáng… Điều đó có nghĩa Việt Nam đã có một ý nghĩa nào đó với họ. Một chân trời hy vọng dần hé mở với chúng tôi…,” bà Trang chia sẻ.
“Dường như giống với những gì chúng tôi đã được đọc về ông trong cuốn hồi ký của nữ danh ca Celine Dion hay trong nhiều bài báo. Dù tên tuổi gắn với những ca khúc đáng nhớ, Bryson vẫn luôn thể hiện mình là một người bình thường, thích giao du, quen biết những điều mới mẻ.”
“Khi chúng tôi tha thiết muốn mời ông đến Việt Nam nhỏ bé và có nền âm nhạc kém phát triển hơn các nước trong khu vực. Ông ấy đã nhận lời và tiết lộ bí mật khiến chúng tôi ngỡ ngàng. Rằng, 45 năm trước Peabo Bryson đã từng đến Việt Nam biểu diễn 45 ngày trong các câu lạc bộ Mỹ cho quân đội. Đó quả là một giấc mơ!”- Bà Mỹ Trang tâm sự trong buổi họp báo chương trình tại Hà Nội.
Theo đúng concert của chuỗi chương trình In The Spotlight, đêm nhạc Peabo Bryson In The Spotlight sẽ tôn vinh sự nghiệp và cá tính âm nhạc của nghệ sỹ tâm điểm là Peabo Bryson.
Bên cạnh tâm điểm Peabo Bryson, concert In The Spotlight đầy bất ngờ lần này còn ở dấu ấn Việt Nam. Theo đó, chương trình sẽ khi đưa một số ca khúc Việt Nam vào chương trình, đặt ngang hàng cùng các tác phẩm tình ca quốc tế bất hủ.
Có ý kiến cho rằng, nhà tổ chức đã thua trong “canh bạc” mời Peabo Bryson đến Việt Nam trong chuỗi In The Spotlight.
Mọi nỗ lực giao thoa và khát vọng đỉnh cao nghệ thuật của nhà sản xuất mong muốn mang đến không gian âm nhạc đẳng cấp, để nâng cấp và định hướng trình độ thưởng thức, song không phải bao giờ cũng bắt trúng thị hiếu của đại chúng.
Tuy nhiên, với người viết bài, sự hiện diện của Peabo Bryson một đêm duy nhất bên cạnh ba “tiểu diva" Việt Nam, cất lên những bản tình ca say đắm trong kỷ nguyên vàng của nhạc pop thế giới ở thập niên 80 và 90, vẫn là “Giấc mơ Mỹ” cho công chúng cơ hội nghe live huyền thoại âm nhạc thế giới ngay tại Hà Nội./.
Nhắc tới Peabo Bryson, khán giả nhớ tới một tài năng xuất chúng của dòng âm nhạc được coi là tâm hồn của người Mỹ. Ông trở thành “ông hoàng của những bản tình ca” bởi những bản song ca bất hủ thể hiện cùng những diva nhạc pop, với hai lần đoạt hai giải Grammy danh giá vào năm 1992 và 1993 dành cho Ca khúc hát đôi/hát nhóm hay nhất.
Đó là bản song ca “Tonight I Celebrate My Love” với Roberta Flack, là “Beauty And The Beast” góp phần đưa Celine Dion thành một tên tuổi lớn sau này, “A whole new world” từ phim hoạt hình Aladdin của Walt Disney đã giữ ngôi vị số 1 trên bảng xếp hạng danh giá nhất nước Mỹ Billboard.