Pfizer nỗ lực mở rộng quyền tiếp cận thuốc Paxlovid ở các nước nghèo

Pfizer đã nhất trí với một số hãng dược phẩm nhằm sản xuất thuốc kháng virus Paxlovid ở mức giá thấp hơn cho những nước thu nhập thấp và trung bình.
Pfizer nỗ lực mở rộng quyền tiếp cận thuốc Paxlovid ở các nước nghèo ảnh 1Thuốc điều trị COVID-19 dạng viên của hãng dược phẩm Pfizer. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hãng dược phẩm Pfizer mới đây đã tặng 100.000 liệu trình thuốc kháng virus Paxlovid điều trị COVID-19 cho Hiệp hội Covid Treatment Quick Start (CTQTC) nhằm tăng khả năng tiếp cận thuốc tại những nước thu nhập thấp và trung bình.

Thông tin này do CTQTC công bố vào ngày 7/9.

CTQTC do Đại học Duke (Mỹ) và tổ chức Sáng kiến tiếp cận y tế Clinton thành lập với sự hỗ trợ của công ty dược phẩm Pfizer.

Hiệp hội này cho biết đang làm việc với bộ y tế tại 10 nước để thiết lập chương trình xét nghiệm và điều trị quốc gia. Nhóm đã đặt mục tiêu giúp các bệnh nhân nguy cơ cao tại một số nước có thể bắt đầu chữa trị vào cuối tháng này.

Mặc dù thuốc Paxlovid phổ biến tại những nước giàu, song việc tiếp cận sản phẩm này lại rất hạn chế tại những nước nghèo hơn, qua đó phản ánh tình trạng bất bình đẳng trong công tác ứng phó với COVID-19 trên toàn cầu.

Pfizer đã nhất trí với một số hãng dược phẩm nhằm sản xuất thuốc điều trị này ở mức giá thấp hơn cho những nước thu nhập thấp và trung bình.

Các hãng này sẽ bản các phiên bản thuốc có giá cả phải chăng cho CTQTC, khi các sản phẩm này được phê duyệt, nhiều khả năng là trong những tháng tới.

[FDA Mỹ cho phép dược sỹ kê đơn thuốc điều trị COVID-19 của Pfizer]

Trước đó, các cơ sở tài trợ của Pfizer đã thúc đẩy chương trình thí điểm hiệu quả tại những nước có thiết bị xét nghiệm như Nigeria, Lào, Zimbabwe và Zambia.

Các nhóm khác cũng đang hướng tới việc mở rộng quyền tiếp cận và đảm bảo thuốc được sử dụng hiệu quả trên toàn thế giới.

Tổ chức phi chính phủ Drugs for Neglected Diseases Initiative (DNDI) hiện đang thử nghiệm xem liệu thuốc Paxlovid có phát huy tác dụng nếu bệnh nhân được điều trị muộn hơn 5 ngày sau khi khởi phát triệu chứng hay không.

Khoảng thời gian này chính là trở ngại lớn đối với những nước có hệ thống y tế bị thiếu nguồn lực trầm trọng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục