Phải làm gì khi con trẻ đang bị ảnh hưởng xấu từ một người bạn?

Nhiều phụ huynh có thể lập tức chỉ trích người bạn của con mình nhưng thay vào đó các chuyên gia lại khuyên nên làm một số điều khác.

Những suy nghĩ và quan điểm của bạn bè cùng trang lứa sẽ tác động mạnh mẽ hơn đến trẻ khi chúng đến tuổi đi học.(Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Bing Image Creator)
Những suy nghĩ và quan điểm của bạn bè cùng trang lứa sẽ tác động mạnh mẽ hơn đến trẻ khi chúng đến tuổi đi học.(Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Bing Image Creator)

Trẻ em tiếp thu những bài học đầu tiên về đúng và sai từ cha mẹ chúng. Cha mẹ thường truyền đạt các giá trị của mình bằng cách dạy bảo trẻ những gì nên làm và không nên làm. Thậm chí, họ còn làm gương cho trẻ.

Nhưng khi trẻ bước vào môi trường học đường và cha mẹ có ít thời gian hơn ở bên chúng, những suy nghĩ và quan điểm của bạn bè cùng trang lứa sẽ tác động mạnh mẽ hơn đến chúng.

Tất cả những điều này đều tuân theo một quy luật bình thường, nhưng có thể sẽ khó khăn cho các bậc cha mẹ khi cố gắng tìm ra vai trò của mình.

Vậy chúng ta nên làm gì nếu một người bạn nào đó dường như đang có ảnh hưởng tiêu cực đến con mình? Chúng ta nên nói với con cái như thế nào trong khi vẫn tôn trọng sự riêng tư của chúng và khuyến khích chúng tự giải quyết vấn đề?

Hãy chú ý đến bất kỳ thay đổi nào ở con bạn

Ngay cả khi con bạn không kể cho bạn nghe mọi chuyện diễn ra trong ngày của chúng thì bạn vẫn nên âm thầm quan sát. Khi cảm thấy có điều gì đó không ổn thì cũng chính là lúc "điều đó" đáng để bạn quan tâm.

Nhà tâm lý học nhi khoa Ann-Louise Lockhart nói với HuffPost rằng: “Bạn có thể nhận thấy sự thay đổi trong thái độ, hành vi hoặc tính cách của con mình."

Lockhart nói: “Bạn cũng có thể thấy những thay đổi trong cách chúng nhìn nhận về trường học, điểm số, và mục tiêu tương lai.” “Ngoại hình, điều quan tâm hoặc sở thích của chúng cũng có thể bị ảnh hưởng."

Tất nhiên, tình bạn của con bạn sẽ lúc thăng lúc trầm, và bạn không thể và không nên cố theo kịp mọi chi tiết. Điều quan trọng là con bạn có cơ hội học cách giải quyết xung đột và những thay đổi trong mối quan hệ với bạn bè cùng trang lứa.

Aliza Pressman, nhà tâm lý học và tác giả cuốn sách “5 nguyên tắc nuôi dạy con cái” giải thích với HuffPost: “Tình bạn rất kỳ diệu và có thể một ngày nào đó mọi thứ có vẻ khó khăn, thì ngày khác chúng có thể trở nên tuyệt vời.”

Cô nói: “Nếu bạn cứ chăm chăm để ý vào những thay đổi hàng ngày thì đó là những điều không bền vững và có khả năng thay đổi. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy tâm trạng của con thay đổi hoặc chúng cư xử khác với một người bạn cụ thể thì đó là điều đáng để xem xét thêm."

Chúng ta có xu hướng nghĩ rằng ảnh hưởng xấu của một người bạn có liên quan đến việc lạm dụng chất gây nghiện, nhưng có nhiều cách khác mà bọn trẻ có thể ảnh hưởng đến nhau.

Lockhart nói: “Một số ảnh hưởng tiêu cực khác bao gồm cách chúng nói chuyện với người lớn (giáo viên, cha mẹ, ông bà), cũng như bạn bè và anh chị em. Điều này có thể bao gồm việc đưa ra những lời nói tiêu cực, xúc phạm hoặc phán xét. Nó có thể bao gồm việc chế nhạo ngoại hình của người khác hoặc cố tình làm họ xấu hổ."

Những thay đổi như thế này rất đáng lưu tâm. Nhưng bạn nên làm gì nếu không muốn mở đầu cuộc trò chuyện bằng cách nói với con rằng bạn nghĩ người bạn đó có ảnh hưởng xấu đến chúng?

Bắt đầu bằng cách lắng nghe

Để hiểu rõ hơn về tình huống này, điều quan trọng là bạn có thể lắng nghe mà không phán xét những gì con bạn nói với bạn về tình bạn của chúng. Chúng có thể chỉ cần bạn đóng vai trò là người lắng nghe hơn là một người đưa ra lời khuyên.

tre-con-2-9567.jpg
Hãy dành không gian im lặng để trẻ nói chuyện và tạm dừng các câu hỏi. (Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Bing Image Creator)

Pressman khuyên rằng: “Hãy dành không gian im lặng để con bạn nói chuyện với bạn và tạm dừng các câu hỏi."

Cô nói: “Hầu hết, những đứa trẻ ở độ tuổi đi học, thậm chí lớn hơn không cần chúng ta can thiệp hay giúp đỡ việc gì trừ khi chúng bị bắt nạt hoặc bắt nạt ai đó.”

Pressman cũng đề nghị phụ huynh nên hỏi trực tiếp: “Con nghĩ con muốn mẹ giúp việc này không? Hay con có muốn trút giận nhưng không muốn mẹ nói gì không."

Trẻ em thường có thể tự tìm ra giải pháp. Chúng có thể không cần gì hơn ngoài việc giao tiếp bằng mắt nhẹ nhàng, một vài cái gật đầu đúng lúc của bạn hoặc một vài cụm từ để động viên chúng tiếp tục, chẳng hạn như “điều gì khiến con nói như vậy?” và “hãy kể cho mẹ biết thêm đi.”

Đưa ra những nhận định mang tính quan sát

Bạn có thể nghĩ ra một vài từ để mô tả về người bạn của con mình, nhưng hãy loại bỏ bất cứ điều gì mang tính phán xét. Thay vào đó, hãy bám vào sự thật. Bạn đã nhận thấy điều gì? Con bạn khác biệt như thế nào?

Lockhart gợi ý bạn nên nói điều gì đó như “mẹ nhận thấy con đã dành nhiều thời gian với X... Mẹ lo lắng về việc con đã thay đổi như thế nào kể từ khi dành nhiều thời gian hơn cho X. Mẹ thấy rằng con dành nhiều thời gian hơn ở trong phòng và dường như con không ưu tiên làm những việc mà trước đây con hay làm với em gái và điểm số của con đang thấp đi."

Việc giữ lại những phán xét của mình sẽ cho con bạn cơ hội phản ứng mà không phòng thủ trước hành động của chính chúng hoặc bạn bè của chúng. Điều này có thể sẽ giúp chúng nhận ra điều gì đó dưới một góc nhìn mới nhờ cuộc trò chuyện của bạn.

Đặt những câu hỏi tò mò

Các chuyên gia cho rằng điều quan trọng là đặt ý kiến của riêng bạn sang một bên và báo cho con bạn tín hiệu rằng bạn thực sự sẵn sàng thay đổi quan điểm của mình dựa trên những gì con bạn nói với bạn.

Pressman khuyên: “Hãy thử hỏi với sự tò mò và đưa ra nhận định với thái độ trung lập, thay vì giảng giải và phán xét."

Một chiến lược để tạo điều kiện thuận lợi cho việc này là bắt đầu với các cụm từ “Mẹ tự hỏi.” Ví dụ, Pressman gợi ý: “Mẹ tự hỏi con cảm thấy thế nào về X. Mẹ thấy gần đây cả hai cãi nhau rất nhiều.” Cô nói những quan sát được diễn đạt theo cách này “cho phép con cái chúng ta suy nghĩ về cảm giác của chúng và cùng chúng ta đưa ra một số quan sát và giải pháp.”

Lockhart nhấn mạnh sự cần thiết phải tìm hiểu xem con bạn nhận được điều gì từ tình bạn này. “Hãy tìm hiểu xem tại sao con bạn lại thích người bạn này,” cô nói.

Những câu hỏi cơ bản về mối quan hệ của con bạn với bạn bè có thể giúp bạn hiểu được động thái của chúng. Lockhart gợi ý những điều sau: “Con thích điều gì ở bạn mình? Bọn con có điểm gì chung? Con thích làm gì cùng nhau?

Sau khi trò chuyện với con và bày tỏ mối lo ngại của bạn về tâm trạng hoặc hành vi đã thay đổi của chúng, bạn nên lùi lại và để chúng tự xử lý các bước tiếp theo.

Lockhart nói: “Điều này mang lại cho con bạn cơ hội học cách suy nghĩ chín chắn về những người xung quanh chúng, cách rèn luyện các kỹ năng phán đoán và ra quyết định.” “Là cha mẹ, thật khó khăn khi chứng kiến con mình vật lộn với khó khăn nhưng đó là một kỹ năng sống rất quan trọng trong tương lai.”

Cô đề nghị cha mẹ nên nói điều gì đó mang tính xây dựng chẳng hạn như “Tình bạn này có vẻ rất quan trọng với con. Mẹ đã bày tỏ suy nghĩ của mình về điều đó và mẹ cảm thấy nó ảnh hưởng đến con như thế nào... Mẹ mong con xem xét những ưu và nhược điểm của tình bạn này. Mẹ ở đây để hỗ trợ con làm điều đó."

Đừng chỉ trích những đứa trẻ khác hoặc cha mẹ của chúng

Chuyên gia khuyên rằng hãy giữ những ý nghĩ phán xét về một đứa trẻ khác hoặc cha mẹ của chúng cho riêng mình hoặc có thể tâm sự với người bạn đáng tin cậy.

tre-con-3-682.jpg
(Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Bing Image Creator)

Lockhart nói rằng bạn không bao giờ biết được toàn bộ câu chuyện liên quan đến bất kỳ đứa trẻ nào khác hoặc cha mẹ chúng.

Thay vì phán xét, cô ấy khuyên bạn nên “đồng cảm với người khác, nên giữ suy nghĩ rằng họ bị ảnh hưởng bởi nhiều hoàn cảnh sống và sau đó hãy quay lại câu chuyện của bạn."

Bạn nên tập trung vào con mình và hỗ trợ khi chúng cần giải quyết tình huống.

Đừng ngần ngại hành động khi cần thiết

Chuyên gia khuyên rằng nếu bạn nghi ngờ con mình có thể đang bị bắt nạt hoặc bắt nạt người khác thì bạn nhất định phải can thiệp.

Bạn có thể phải liên hệ với cha mẹ của một đứa trẻ khác hoặc liên hệ với giáo viên để được trợ giúp./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục