Về với...động hoa vàng

Phạm Duy: Người đã “về động hoa vàng” cùng ai...

Người nghệ sỹ, nhạc sỹ tài hoa Phạm Duy đã lặng lẽ nhắm mắt, xuôi tay ở tuổi 93, không đợi mùa Xuân mới đang tới thật gần...
Vào giữa mùa trăng tròn một ngày tháng Chạp, năm Nhâm Thìn, người nghệ sỹ, nhạc sỹ tài hoa Phạm Duy đã lặng lẽ nhắm mắt, xuôi tay rời bỏ cõi trần ở tuổi 93, không đợi mùa Xuân mới đang tới thật gần. Mặc dù đã vài lần nhập viện do tuổi cao và bệnh tật, đặc biệt là cú sốc - tưởng như được đón nhận rất đỗi bình thản nhưng ẩn chứa nhiều nỗi buồn đau cho người nhạc sỹ tài danh - người con trai cả Duy Quang qua đời vào tháng trước (20/12/2012), nhưng Phạm Duy vẫn đang ấp ủ nhiều dự định âm nhạc. Ông như một người sinh ra từ một nốt nhạc và cứ ngân vang mãi cho đến khi lìa bỏ cõi đời, mà nhịp rung của nó còn đọng lại trong lòng người đến muôn sau. Được coi là một trong những anh cả của Tân nhạc Việt, sáng tác của Phạm Duy trải dài từ nhạc cách mạng, nhạc quê hương, nhạc tình… Sáng tác của ông cũng rất đa dạng từ trường ca, rong ca, đạo ca, thiền ca, tâm ca… Nhưng có lẽ nhạc tình - đậm chất trữ tình lãng mạn và đầy sắc màu dân ca của Phạm Duy là được mến mộ nhất để mà đi vào lòng người như một dòng nhạc riêng biệt “nhạc tình Phạm Duy.” Khá thành công trong lĩnh vực phổ nhạc vào thơ, "Ngậm ngùi" (thơ Huy Cận), "Ngày xưa Hoàng Thị" (thơ Phạm Thiên Thư), "Áo anh sứt chỉ đường tà" (trích "Màu tím hoa sim" của nhà thơ Hữu Loan), "Tỳ bà" (thơ Bích Khê); "Vần thơ sầu rụng," "Tiếng thu" (thơ Lưu Trọng Lư), "Tình cầm" (thơ Hoàng Cầm), "Em hiền như Masoeur," "Thà như giọt mưa," "Hai năm tình lận đận" (thơ Nguyễn Tất Nhiên), Phạm Duy đã góp phần đưa những tác phẩm thi ca có sức bay bổng, đi vào lòng người một cách sâu lắng và bền bỉ. Từng học trường Tây, mang nặng ảnh hưởng của âm nhạc lãng mạn Tây phương thể hiện qua nhiều bản nhạc cả nhạc trẻ lẫn bãn cổ điển mà ông đặt lời như: "Em đẹp nhất đêm nay" (La plus belle pour aller danser), "Khi xưa ta bé" (Bang bang), "Tình cho không" (L'amour c'est pour rien), "Tuyết rơi" (Tomber la neige), "Tiếng cười trong đêm" (La nuit), "Những mùa nắng đẹp" (Seasons in The Sun), "Chuyện tình" (Where Do I Begin - nhạc phim "Love Story" của Andy William, "Dạ khúc" (Nächtliches Ständchen của Franz Schubert), "Dòng sông xanh" (An der schönen blauen Donau op. 314 của Johann Strauss), "Mối tình xa xưa" (Célèbre Valse, bài số 15 trong "16 bài valse cho piano" của Johannes Brahms)... Lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất tôi được gặp nhạc sỹ là khi ông ra Hà Nội thăm người bạn tri âm-nhà thơ Hoàng Cầm. Phạm Duy gần gũi với bộ áo nâu sồng, mái tóc bạc trắng và nụ cười rạng rỡ. Nói về âm nhạc, về Hà Nội, về những người bạn cũ, ông trẻ trung như một chàng trai trẻ, với những kỷ niệm đầy ắp tuôn trào. Ông hỏi tôi có biết hát không, và bảo, âm nhạc chẳng có gì cao siêu đâu, nó chỉ có 7 nốt thôi, nhưng nếu có tình yêu, có sự rung động thì âm nhạc đó nó sẽ tự nhiên mà đến, mà thành âm, thành lời. Ông hào hứng minh họa cho chúng tôi (nhà thơ Nguyễn Thụy Kha và tôi) nghe những cách phổ nhạc vào lời theo phong cách dân ca. Ông khẳng định, dân ca Việt Nam là một kho tàng âm nhạc đầy sắc màu thi ca và mang tính triết học cao chứ không phải là văn vần, nhạc dạo như nhiều người nghĩ. Khúc ca dao: Trèo lên cây bưởi hái hoa/Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân/ Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc/ Em lấy chồng rồi anh tiếc lắm thay… là một ví dụ được ông đưa ra hôm đó. Ông hát "Nụ Tầm xuân" như bản của ông, đầy thiết tha, rồi lại hát sang một phong cách khác, rộn ràng hơn, và lại hát thêm một cách khá buồn cười, kiểu hơi rock xen rap, làm cả chúng tôi lẫn con trai út ông, nhạc sỹ hòa âm Duy Cường - người luôn cận kề cha bất luận đi đâu, cười ngất... Trong những khúc đạo ca, thiền ca... từ rất lâu, cái chết với Phạm Duy như là một chốn rồi ai cũng sẽ đến. Trong tác phẩm “Những gì sẽ đem theo vào cõi chết,” ông từng khẳng định rằng: “Rồi mai đây tôi sẽ chết, tôi sẽ mang theo/ Tôi xin đem theo với tôi một nụ cười không nghi ngại/Tôi xin đem theo với tôi đôi mắt trẻ thơ đẹp ngời..Trên đường về nơi cõi Niết/Tôi sẽ không đem với tôi những gì đâu!/Rồi mai đây tôi hóa kiếp/Trong lòng mừng không hối tiếc… Và thế rồi, chàng trai lãng tử của nhạc tình Việt chẳng mang theo gì, bỏ lại mùa Đông đang qua, chẳng chờ mùa Xuân đang tới…Ngày xưa, Phạm Duy đã “Đưa em về động hoa vàng,” nhưng hôm nay, thì ông đã về nơi đó, theo người vợ dấu yêu Thái Hằng, người con trai cả Duy Quang... Từ đây, "nghìn trùng xa cách," xin dâng một nén tâm hương thành kính tiễn biệt người nhạc sỹ, nghệ sỹ tài hoa. Ông đi rồi, nhưng những ca khúc của ông, những giá trị về âm nhạc mà ông để lại thì còn mãi./.
Phạm Duy sinh ngày 5/10/1921, tên thật Phạm Duy Cẩn là một nhạc sỹ, ca sỹ, nhà nghiên cứu nhạc của Việt Nam. Ông được coi là một trong những nhạc sỹ lớn của nền Tân nhạc với số lượng sáng tác đồ sộ và đa dạng về thể loại, trong đó có những bài đã trở nên rất quen thuộc với người Việt Nam. Ngoài sáng tác, Phạm Duy còn có nhiều công trình khảo cứu về âm nhạc Việt Nam có giá trị.

Sau một thời gian dài sống tại Mỹ, năm 2005, ông về Việt Nam định cư tại Thành phố Hồ Chí Minh và đã làm một số chương trình ca nhạc cùng với hơn 50 ca khúc trong số hàng nghìn sáng tác được cấp phép. Có thể kể như: "Mùa thu chết," "Giọt mưa trên lá," "Tạ ơn đời," "Tiễn em, ""Đi đâu cho thiếp theo cùng," "Mẹ ta," "Mẹ xinh đẹp," "Mẹ chờ mong," "Lúa mẹ," "Nước mắt rơi," "Những gì sẽ đem theo về cõi chết," "Phố buồn," "Tiếng hát trên sông Lô, "Viễn du,""Xuân nồng," "Biển khúc," "Em hát," "Khúc ru tình," "Nỗi nhớ vô thường," "Tình qua tin nhắn"...

Ông kết hôn với ca sỹ Thái Hằng (1927-1999). Các con ông đều là ca sỹ thành danh gồm ca sỹ Thái Hiền, ca sỹ Duy Quang (vừa mới mất cách đây hơn 1 tháng ở tuổi 62), ca sỹ Thái Thảo, nhạc sỹ hòa âm Duy Cường và con rể (chồng của Thái Thảo) là ca sỹ Tuấn Ngọc.
Đoàn Ngọc Thu (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục