Pháp và Anh ngày 2/8 tuyên bố thắt chặt hợp tác giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư qua tuyến đường hầm Channel xuyên eo biển Manche, vấn đề đã trở thành một đề tài chính trị "nóng" gần đây giữa hai nước.
Tạp chí Du Dimanche của Pháp và báo Telegraph của Anh đăng tải đồng thời ý kiến chung của Bộ trưởng Nội vụ Pháp Bernard Cazeneuve và người đồng cấp Anh Theresa May nhấn mạnh giải quyết cuộc khủng hoảng người di cư trái phép là ưu tiên hàng đầu hiện nay của chính phủ hai nước và hai nước quyết tâm phối hợp giải quyết vấn đề này.
Khoảng 3.000 người di cư - chủ yếu đến từ các nước Syria, Eritrea, Sudan, Iran và Iraq - đang tập trung tại thành phố cảng Calais của Pháp để tìm cách vào Anh. Cuộc khủng hoảng di cư này đã khiến các mối quan hệ giữa Anh và Pháp trở nên căng thẳng.
Các nhà chính trị Anh cáo buộc Chính phủ Pháp thiếu sót trong vấn đề kiểm soát an ninh biên giới, trong khi nhiều ý kiến phía Pháp cáo buộc London "dễ dãi" trong việc kiểm soát sử dụng lao động nhập cư bất hợp pháp, khiến ngày càng nhiều người di cư tìm cách tới Anh.
Thị trưởng thành phố Calais, bà Natacha Bouchar nhấn mạnh tình hình hiện nay "đã trở nên không thể chấp nhận được," đồng thời đề xuất phía Anh mở một khu vực quá cảnh hoặc trại tị nạn ở biên giới để chủ động kiểm soát người tị nạn.
Trong khi đó, tại Anh, nhiều chính trị gia đã "nhắc nhở" Thủ tướng David Cameron về phí tổn liên quan tới giao thông hỗn loạn do người di cư tại đường hầm xuyên biển và đề nghị đòi khoản bồi thường lớn hơn từ Pháp.
Quyền lãnh đạo Đảng Lao động Harriet Harman cho rằng khủng hoảng di cư đã tiêu tốn của nước Anh khoảng 700.000 bảng (900.000 euro)/ngày, và việc các doanh nghiệp và người dân Anh phải gánh chịu phí tổn do những thiếu sót an ninh ở khu vực biên giới với Pháp là "sai trái."
Kể từ tháng Sáu tới nay, ở khu vực đường hầm xuyên biển này đã có ít nhất 10 người di cư thiệt mạng khi tìm cách trốn lên tàu hỏa hoặc xe tải để sang Anh.
Một người phát ngôn của hãng Eurotunnel (nhà điều hành và quản lý đường hầm Channel) cho biết người di cư ồ ạt vượt hầm đã khiến giao thông đường hầm tối 1/8 bị ngưng trệ trong vòng 5 giờ, buộc cơ quan chức năng phải tăng cường các biện pháp an ninh, nhờ đó đã hạn chế số vụ người di cư tìm cách vượt đường hầm trong đêm 1/8 chỉ còn 400 vụ, so với 2.000 vụ hồi đầu tuần./.