Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire ngày 14/4 cho biết sẽ sớm đưa ra xuất tái cơ cấu các khoản nợ của các công ty đang gặp khó khăn với các khoản vay trong cuộc khủng hoảng COVID-19.
Nhiều công ty Pháp đang đối mặt với bảng cân đối kế toán khá căng thẳng, sau khi họ vay ồ ạt theo một chương trình được nhà nước bảo lãnh nhằm giúp họ vượt qua khủng hoảng.
Dù chương trình trên đã giúp giữ tỷ lệ phá sản trong năm ngoái ở mức thấp kỷ lục, các nhà kinh tế dự kiến lượng hồ sơ xin phá sản sẽ tăng lên khi các chương trình hỗ trợ khác nhau của Chính phủ dần hết hiệu lực.
Bộ trưởng Le Maire cho biết trong những tuần tới, ông sẽ đưa ra các đề xuất nhằm tập hợp đại diện của các bang, tòa án phá sản và giới ngân hàng để tìm ra giải pháp cho các công ty đang gặp khó khăn với khoản nợ của họ trong từng trường hợp cụ thể.
[Pháp hạ dự báo tăng trưởng năm 2021 xuống 5% do COVID-19 tái bùng phát]
Phát biểu trên kênh truyền hình BFM TV, ông le Maire khẳng định sẽ cố gắng hết sức để tránh tình trạng phá sản ở đất nước này. Ông và giới chức sẽ xem xét tình hình để xác định liệu có nên gia hạn trả nợ hoặc liệu một phần của khoản nợ có thể được miễn trừ.
Theo công ty tư vấn Altares, tỷ lệ phá sản của các công ty Pháp vẫn đặc biệt thấp trong hầu hết quý 1/2021 cho đến khi lượng hồ sơ đăng ký xin phá sản và thanh lý tài sản để ngưng hoạt động tăng đột biến vào tháng Ba.
Mặc dù tỷ lệ phá sản trong quý đầu năm 2021 đã giảm 32% so với cùng kỳ năm ngoái, con số này trong hai tuần cuối tháng Ba lại tăng hơn 155% so với cùng giai đoạn một năm trước đó - thời điểm nước Pháp bắt đầu đợt phong tỏa đầu tiên và các tòa án phải đóng cửa.
Báo cáo của Altares cũng cho biết chỉ riêng trong tháng Ba, cứ 10 công ty trước khi ra tòa án phá sản thì tới 8 công ty đã thẳng tay thanh lý tài sản để trả hết nợ và ngừng hoạt động. Đây là mức chưa từng thấy trong hai thập kỷ qua tại Pháp./.