Pháp, Đức thắt chặt chính sách thuế với các "đại gia" công nghệ

Pháp và Đức sẽ đề xuất một chương trình đánh thuế mới nghiêm khắc hơn đối các "đại gia" công nghệ nhằm đảm bảo các công ty này phải "đóng thuế công bằng" tại những nước mà công ty này hoạt động.
Pháp, Đức thắt chặt chính sách thuế với các "đại gia" công nghệ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Reuters)

Pháp và Đức sẽ đề xuất một chương trình đánh thuế mới nghiêm khắc hơn đối các "đại gia" công nghệ nhằm đảm bảo các công ty này phải "đóng thuế công bằng" tại những nước mà công ty này hoạt động.

Ngày 27/8, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết hai nước sẽ công bố đề xuất mới tại cuộc họp của Hội đồng các bộ trưởng tài chính Liên minh châu Âu (ECOFIN) tại thủ đô Tallinn của Estonia vào tháng 9 tới.

Trong thông báo đăng tải trên Facebook Live, ông Le Maire cho biết đề xuất trên nhằm vào các tập đoàn công nghệ lớn như Google, Apple, Facebook và Amazon. Theo đó, Paris và Berlin sẽ đề xuất đánh thuế các công ty công nghệ dựa trên mức thu nhập của từng công ty.


[Pháp hối thúc EU truy thu thuế từ các doanh nghiệp lớn của Mỹ]

Tuy nhiên, Bộ trưởng Le Maire cũng cho biết các đề xuất tương tự từng được đưa ra tại Liên minh châu Âu (EU) cũng như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhưng không đạt được kết quả. Các cuộc đàm phán cho đến nay vẫn đang ngưng trệ.

Các công ty Internet đang vấp phải nhiều chỉ trích tại châu Âu về việc có các thủ pháp sắp xếp tài khóa tinh vi nhằm chuyển lợi nhuận sang các nước đánh thuế thấp mặc dù những khoản tiền này thực chất thu được từ hoạt động tại một nước khác. 

Thông báo của ông Le Maire được đưa ra sau khi Google mới đây đã "tránh" được một khoản đóng thuế lên tới 1,115 tỷ euro (1,33 tỷ USD) từ phía Bộ Tài chính Pháp, sau khi một tòa án phán quyết rằng một công ty con tại Ireland của hãng này không cần phải đóng thuế tại Pháp.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trong chiến dịch tranh cử của mình đã cam kết sẽ thắt chặt chính sách đánh thuế đối với các "đại gia" Internet của Mỹ, cho rằng chính sách thuế "mập mờ" của các công ty này là bất công đối với các công ty châu Âu và là một phần nguồn gốc của làn sóng bất mãn đối với toàn cầu hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục