Pháp kêu gọi Iran tận dụng 'các kênh đối thoại vẫn rộng mở'

Theo Ngoại trưởng Pháp Le Drian, quyết định của Iran về giảm các cam kết trong JCPOA có thể đảo ngược và Paris tiếp tục theo đuổi các nỗ lực đối thoại để đưa thỏa thuận này được thực thi hoàn toàn.
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian ngày 8/9 đã hối thúc Iran ngừng ngay các hành động hạ cấp thỏa thuận hạt nhân mà nước Cộng hòa Hồi giáo đã ký với các cường quốc thế giới năm 2015, có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Trả lời phỏng vấn trên kênh Europe 1, Ngoại trưởng Pháp nêu rõ: "Các kênh đối thoại vẫn còn rộng mở... nhưng Iran cần phải chấm dứt những hành động như vậy."

Lời kêu gọi của ông Yves Le Drian được đưa ra một ngày sau khi Tehran thông báo bước đi mới nhất trong việc giảm những cam kết trong JCPOA, theo đó cho phép nước này làm giàu urani ở mức độ cao hơn.

Theo Ngoại trưởng Pháp, quyết định của Iran về giảm các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 là có thể đảo ngược và Paris tiếp tục theo đuổi các nỗ lực đối thoại để đưa JCPOA được thực thi hoàn toàn trở lại.

Ông khẳng định: "Hành động của họ đã thực hiện là tiêu cực nhưng không phải là cuối cùng. Họ có thể quay trở lại và con đường đối thoại vẫn đang rộng mở."

Ngoại trưởng Pháp cũng cho rằng Iran vẫn còn mất nhiều tháng nữa mới có thể chế tạo được bom hạt nhân.

Cũng trong ngày 8/9, trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Iran Ali Dakar Salehi chỉ trích các nước châu Âu tham gia JCPOA đã không thực hiện những cam kết của họ trong thỏa thuận này.

Phát biểu sau cuộc gặp với Quyền Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) Cornel Feruta tại thủ đô Tehran, ông Salehi nêu rõ: "Thật đáng tiếc, các đối tác châu Âu đã không thực hiện những cam kết của họ... thỏa thuận này không phải là một chiều và vì vậy Iran sẽ hành động như chúng tôi đã làm từ trước đến nay, đó là giảm dần những cam kết của mình."

Theo hãng tin bán chính thức ISNA, sau động thái mới của Iran, Quyền Tổng Giám đốc IAEA Cornel Feruta đã đến Tehran ngày 8/9 để tiến hành hội đàm cấp cao với giới chức nước chủ nhà, trong đó có Ngoại trưởng Mohammad Javad Zarif và Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran - ông Ali Shamkhani.

[Ngoại trưởng Iran: Chính Mỹ đang có hành vi 'tống tiền' hạt nhân]

IAEA cho biết chuyến thăm này là một phần trong "các tương tác đang diễn ra" với Tehran, bao gồm cả "xác minh và giám sát ở Iran theo JCPOA.

Sau động thái mới nhất nêu trên, Iran vẫn sẽ cho phép IAEA tiếp tục giám sát các cơ sở hạt nhân của mình theo thỏa thuận năm 2015.

Đáp lại, IAEA cho biết họ đã ghi nhận động thái mới nhất của Iran, đồng thời nhấn mạnh rằng các thanh sát viên của cơ quan này đã sẵn sàng kiểm tra sự tuân thủ của Tehran.

Thỏa thuận hạt nhân lịch sử ký năm 2015 giữa Iran và 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Mỹ) cùng Đức.

Văn kiện này quy định Iran chỉ được phép làm giàu urani ở tỷ lệ 3,67%, thấp hơn nhiều so với mức 90% để chế tạo vũ khí hạt nhân và cũng thấp hơn mức 20% mà Iran đã thực hiện trước khi thỏa thuận được ký kết.

Ngoài ra, Tehran được phép sản xuất urani có tỷ lệ làm giàu thấp với khối lượng tối đa 300 kg và lượng urani dư thừa có thể được bán ra nước ngoài.

Tháng 5/2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt quốc gia Trung Đông này.

Quan hệ giữa hai nước ngày càng xấu đi sau một loạt động thái gây căng thẳng từ hai phía như vụ Iran và Mỹ tuyên bố bắn rơi máy bay không người lái của nhau.

Sau đó, Tehran tuyên bố giảm bớt các cam kết trong thỏa thuận hạt nhân, trong đó có việc tăng giới hạn làm giàu urani.

Ngày 7/9, Iran đưa ra thông báo mới cho biết các máy ly tâm IR-6 đã được nạp đầy urani, một chuỗi gồm 20 máy ly tâm IR-4 và IR-6 cũng đã được khởi động từ ngày 6/9, và 3 máy ly tâm IR-8 sẽ sớm được thử nghiệm.

Đây là bước đi thứ 3 của Tehran trong các động thái cắt giảm cam kết trong JCPOA cho đến nay.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo gọi hành động này của Tehran là hành vi “tống tiền hạt nhân"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục