Chiều 28/4, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Tuyên Quang và Viện Kinh tế Văn hóa tổ chức Hội thảo "Tiềm năng, liên kết phát triển du lịch các tỉnh Chiến khu Việt Bắc."
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn dự và phát biểu chỉ đạo.
Hợp tác, liên kết phát triển du lịch
Chiến khu Việt Bắc gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang và Hà Giang, có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội và tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch, nhất là du lịch lịch sử, du lịch sinh thái....
Đây cũng là nơi hội tụ, giao thoa văn hóa của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, với các phong tục, tập quán, lễ hội, ẩm thực, nghề thủ công truyền thống đặc sắc; có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hệ sinh thái đa dạng với những địa danh nổi tiếng như Công viên địa chất Non nước Cao Bằng, Công viên địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), hồ Ba Bể (Bắc Kạn), núi Mẫu Sơn (Lạng Sơn), hồ Núi Cốc (Thái Nguyên), Danh thắng quốc gia đặc biệt Na Hang-Lâm Bình (Tuyên Quang), được đánh giá là điểm đến thú vị, có sức hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong nước và quốc tế.
Phát biểu chào mừng, Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang Chẩu Văn Lâm cho biết những năm qua, các tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc; trong đó có tỉnh Tuyên Quang, đã nỗ lực, cùng hợp tác, liên kết triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch; đẩy mạnh các giải pháp nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhất là những sản phẩm du lịch đặc trưng, có tính liên vùng, thu hút sự quan tâm đông đảo của du khách, các công ty lữ hành, các nhà đầu tư.
Tuy nhiên, so với yêu cầu của sự phát triển, du lịch của các tỉnh trong vùng, trong đó có tỉnh Tuyên Quang, phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Nhân lực du lịch còn thiếu, chất lượng chưa cao.
Hoạt động liên kết giữa các địa phương trong vùng chưa chặt chẽ; chưa có nhiều sản phẩm du lịch thực sự hấp dẫn; thiếu nhà đầu tư chiến lược, đầu tư liên kết phát triển cho vùng. Hạ tầng giao thông, đặc biệt là giao thông kết nối giữa các khu, điểm du lịch trong vùng chưa đồng bộ. Đây là những"điểm nghẽn," "rào cản" cần được tháo gỡ để du lịch các tỉnh Chiến khu Việt Bắc phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Tại Hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã đánh giá, trao đổi, làm rõ hơn về tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc; đưa ra những luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn, các giải pháp nhằm đẩy mạnh liên kết, hợp tác và hội nhập phát triển du lịch các tỉnh Chiến khu Việt Bắc với du lịch cả nước, trong khu vực và quốc tế.
Phân tích rõ thực trạng phát triển du lịch các tỉnh Chiến khu Việt Bắc hiện nay, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn Phạm Duy Hưng cho rằng hạ tầng giao thông kết nối giữa Hà Nội với các địa phương đang được triển khai, đây là điều đáng mừng, tuy nhiên cần phát triển, nâng cấp thêm các tuyến đường giao thông liên kết ngang giữa các tỉnh. "Kết nối du lịch ngang rất quan trọng để phát triển liên kết du lịch giữa các tỉnh trong vùng, bởi nếu đi du lịch từ Tuyên Quang sang Bắc Kạn mà mất quá nhiều thời gian thì du khách sẽ không muốn đi nữa," ông Phạm Duy Hưng nhấn mạnh.
[Xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch liên kết 6 tỉnh Việt Bắc]
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bắc Kạn đề xuất các tỉnh cần phát triển sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc dân tộc riêng có của vùng với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, rừng nguyên sinh, bản sắc văn hóa dân tộc đa dạng, phong phú, nhiều di tích lịch sử truyền thống…
Đồng thời cần nâng cao chất lượng dịch vụ lưu trú, thêm nhiều sản phẩm vui chơi, giải trí; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường quảng bá, xúc tiến du lịch, trong đó mời gọi các công ty lữ hành nghiên cứu, xây dựng các tour, tuyến mang tính chất liên kết vùng, phù hợp với du khách; tổ chức sự kiện trong vùng để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.
Có ưu đãi phù hợp để thu hút các nhà đầu tư
Phát biểu chỉ đạo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh vấn đề đặt ra là làm thế nào để du lịch Chiến khu Việt Bắc phát triển mạnh mẽ, bền vững, góp phần làm cho Việt Bắc giàu đẹp hơn cùng cả nước.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng vùng cần quan tâm triển khai đồng bộ Nghị quyết 88, Nghị quyết 120 của Quốc hội về đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới để phát triển du lịch, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế-xã hội ở mỗi địa phương.
Các tỉnh tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch thân thiện, đa dạng, chất lượng cao, có thương hiệu của Chiến khu Việt Bắc, có khả năng cạnh tranh cao trong nước và quốc tế như du lịch văn hóa; du lịch cộng đồng; du lịch nông-lâm nghiệp; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đặc biệt chú trọng đến loại hình sản phẩm du lịch lịch sử cách mạng gắn với giáo dục truyền thống, yêu nước, đạo lý uống nước nhớ nguồn cho thế hệ trẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội chỉ rõ phát triển du lịch vùng phải có trọng tâm, trọng điểm, từng bước chuyên nghiệp; đồng thời gắn với công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa lịch sử cách mạng, các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số, giá trị sinh thái tự nhiên, bảo vệ môi trường, bảo vệ rừng, đảm bảo quốc phòng an ninh, trật tự an toàn xã hội, an toàn thực phẩm, an toàn giao thông, giải quyết tốt vấn đề lao động, việc làm và an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, các tỉnh Chiến khu Việt Bắc đẩy mạnh các chương trình liên kết hợp tác trong phát triển du lịch, xây dựng những mô hình liên kết hiệu quả; tăng cường công tác truyền thông, quảng bá; trong đó đặc biệt chú trọng đến liên kết nội vùng; liên kết du lịch với thành phố Hà Nội; liên vùng trong cả nước và liên kết quốc tế; liên kết giữa các cơ quan Trung ương, các cơ quan đã đóng quân ở Việt Bắc trong kháng chiến.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội lưu ý để tạo điều kiện thuận lợi cho ngành du lịch phát triển, các tỉnh trong vùng Chiến khu Việt Bắc căn cứ điều kiện thực tiễn ở địa phương, cần đánh giá rà soát đề xuất giải pháp hiệu quả, thiết thực; kiến nghị những cơ chế đặc thù, chính sách đột phá, có ưu đãi phù hợp để thu hút các nhà đầu tư vào các dự án lớn, có khả năng tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao hoặc những chính sách hỗ trợ người dân tham gia đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp…, xây dựng cộng đồng du lịch văn minh, thân thiện trong ứng xử với khách du lịch./.