Phe Hồi giáo Ai Cập bất đồng về việc cải tổ nội các

Những bất đồng sâu sắc đã xuất hiện trong nội bộ phe Hồi giáo cầm quyền tại Ai Cập xung quanh kế hoạch cải tổ nội các sắp tới.
Cùng với sự phản đối của các đảng đối lập, những bất đồng sâu sắc đã bắt đầu xuất hiện trong nội bộ phe Hồi giáo cầm quyền tại Ai Cập xung quanh kế hoạch cải tổ nội các sắp tới.

Trong một tuyên bố ngày 25/4, đảng Ai Cập Mạnh mẽ của lãnh đạo Hồi giáo ôn hòa Abdel-Moneim Abul-Fotouh đã chỉ trích ý định cải tổ nội các hạn chế của Tổng thống Mohamed Morsi, đồng thời yêu cầu thay thế Thủ tướng, Bộ trưởng Nội vụ và Bộ trưởng Tài chính bằng các ứng cử viên có đủ năng lực điều hành nhằm giải quyết các vấn đề nghiêm trọng hiện nay.

Cùng ngày, đảng Nour Salafi, lực lượng chính trị lớn thứ hai tại Ai Cập sau tổ chức Anh em Hồi giáo, khẳng định sẽ không tham gia chính phủ mới, dự kiến được công bố trong tuần tới, với lý do các vị trí được thay thế sẽ không giúp giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, đồng thời yêu cầu thay thế toàn bộ nội các.

Mặt trận Cứu quốc (NSF), liên minh đối lập chính tại Ai Cập, cũng cho biết sẽ không tham gia chính phủ mới. NSF kêu gọi cải tổ toàn diện nội các mặc dù một số thành viên của liên minh đối lập này không phản đối việc giữ tại nhiệm Thủ tướng Hesham Qandil. Ông Ahmed Fawzy, Tổng thư ký Đảng Xã hội Dân chủ thuộc NSF, cho rằng sẽ rất khó tìm người thay thế ông Qandil vì không có ứng cử viên sáng giá nào đồng ý ngồi vào chiếc "ghế nóng" này trong bối cảnh chia rẽ chính trị.

Kế hoạch cải tổ nội các sắp tới được xem là một nỗ lực của Tổng thống Morsi nhằm xoa dịu căng thẳng với phe đối lập nổ ra sau khi ban hành bản tuyên bố hiến pháp gây tranh cãi vào tháng 11/2012. Ổn định chính trị là một trong những điều kiện cần thiết đảm bảo cho Ai Cập tiếp cận khoản vay 4,8 tỷ USD từ Quỹ tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng như các khoản hỗ trợ tài chính khác của các tổ chức quốc tế.

Trong một diễn biến khác, lực lượng Anh em Hồi giáo cùng 7 chính đảng và phong trào Hồi giáo khác đã hủy bỏ kế hoạch tổ chức biểu tình đòi "làm sạch các cơ quan tư pháp" vào ngày 26/4 nhằm tạo bầu không khí yên bình cho các cuộc thảo luận về dự luật tư pháp sửa đổi tại Hội đồng Shura - Thượng viện Ai Cập.

[Ai Cập thúc đẩy dự luật về tư pháp gây tranh cãi]

Theo dự luật này, tuổi nghỉ hưu của các thẩm phán sẽ bị rút ngắn từ 70 xuống còn 60 tuổi, qua đó buộc 1/4 trong tổng số 13.000 thẩm phán hiện nay phải về hưu, đồng thời ngăn chặn các tòa án xem xét hoặc lật ngược các sắc lệnh được Tổng thống Morsi ban hành năm ngoái. Ngoài việc trao cho tổng thống quyền bổ nhiệm tổng công tố, dự luật này cũng buộc các thẩm phán phải tham gia giám sát bầu cử.

Trước đó, hôm 19/4, hàng nghìn người ủng hộ phe Hồi giáo đã tổ chức biểu tình rầm rộ trước cửa Tòa án Tối cao yêu cầu chính phủ loại bỏ các nhân vật thuộc chế độ cũ trong các cơ quan tư pháp. Đụng độ nổ ra giữa những người ủng hộ phe Hồi giáo và phe đối lập khiến khoảng 100 người bị thương. Tiếp đó, căng thẳng và đối đầu ngày càng leo thang giữa chính quyền và các cơ quan tư pháp, nhất là sau khi Thượng viện do phe Hồi giáo kiểm soát thúc đẩy dự luật nói trên, bất chấp sự phản đối gay gắt của các thẩm phán cũng như quyết định từ chức của Bộ trưởng Tư pháp Ahmed Mekki và Cố vấn pháp lý của tổng thống./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục