Phía sau quyết định tiếp tục hiện diện quân sự ở Libya của Thổ Nhĩ Kỳ

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar khẳng định sẽ ở lại để bảo vệ các lợi ích của Ankara ở Libya cũng như các lợi ích của người dân Libya, theo yêu cầu của chính quyền quốc gia Bắc Phi này.
Phía sau quyết định tiếp tục hiện diện quân sự ở Libya của Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 1Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo tuần báo The Arab Weekly, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar đã khép lại cuộc tranh luận về vấn đề rút binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ và lính đánh thuê Syria ra khỏi Libya bằng cách khẳng định rằng họ sẽ ở lại để bảo vệ các lợi ích của Ankara ở Libya cũng như các lợi ích của người dân Libya, theo yêu cầu của chính quyền quốc gia Bắc Phi này.

Tuyên bố của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy quyết định can thiệp quân sự của Ankara vào Libya không nhằm bảo vệ Tripoli khỏi một cuộc tấn công tiềm tàng từ lực lượng quân đội của Tướng Khalifa Haftar, như đã tuyên bố trước đây.

Trên thực tế, sự can thiệp của Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm bảo vệ lợi ích của Ankara dưới chiêu bài ủng hộ người đứng đầu Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Fayez al-Sarraj. Tuyên bố của ông Akar khẳng định tình hình sẽ không thay đổi bất kể ai kiểm soát Tripoli.

Trong một phát biểu hôm 4/5, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ sự hiện diện quân sự của nước này ở Libya bắt nguồn từ việc bảo vệ các quyền của người dân Libya.

Phát biểu của ông Akar được đưa ra trong cuộc gặp giữa ông với các binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ tại Tripoli, đây là một phần của một sự kiện có sự tham dự của các lãnh đạo quân sự Libya, đặc biệt là Tổng Tham mưu trưởng quân đội Libya, Muhammad Ali Ahmad al-Haddad và Tư lệnh quân đội khu vực phía Tây Libya, Osama al-Juwaili.

Phát biểu trước các binh sỹ ở Tripoli, ông Akar nhấn mạnh: "Chủ quyền và độc lập của Libya là quan trọng. Có một số vấn đề khi chúng ta đến đây. Chúng ta đã nỗ lực hết sức để giải quyết những vấn đề đó ở cả trên bộ, trên biển và trên không. Và chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng.

Những người anh em Libya của chúng ta tiếp tục sát cánh cùng Thổ Nhĩ Kỳ để xây dựng các lực lượng vũ trang và hiện đại hóa tổ chức của họ."

[Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ tới Libya thảo luận về hợp tác song phương] 

Ông Akar lưu ý rằng các tin tức tình báo do Tổng Tham mưu trưởng al-Haddad, ông al-Juwaili và Tư lệnh Vùng Tripoli Abdel-Baki Marwen cung cấp đã đóng góp rất lớn vào thành công của các hoạt động quân sự ở Libya.

Trong một cuộc họp báo chung mới đây với người đồng cấp Libya, bà Najla al-Manqoush, ở Tripoli, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ hiện diện ở Libya như một phần của thỏa thuận huấn luyện mà Ankara đạt được với chính quyền trước đây của quốc gia Bắc Phi này.

Ông Cavusoglu nói thêm: "Có những người đã đánh đồng sự hiện diện hợp pháp của chúng tôi với các lính đánh thuê nước ngoài vốn chỉ chiến đấu vì tiền."

Tuyên bố của ông Cavusoglu là nhằm đáp lại phát biểu của bà Manqoush, trong đó bà Manqoush, Bộ trưởng Ngoại giao của chính phủ lâm thời Libya - hối thúc Thổ Nhĩ Kỳ thực thi các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc yêu cầu rút hơn 20.000 binh sỹ và lính đánh thuê nước ngoài ra khỏi lãnh thổ Libya.

Phát biểu của bà al-Manqoush được xem là lời khiển trách nhắm vào Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia đã triển khai quân đội và lính đánh thuê Syria đến chiến đấu cùng với lực lượng dân quân ở Tripoli kể từ năm 2019.

Tuy vậy, đáp lại những tuyên bố của bà al-Manqoush, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar nêu rõ việc rút hàng trăm binh sỹ Thổ Nhĩ Kỳ "chắc chắn là điều khó có thể thực hiện được."

Ông Akar nói thêm: "Rất khó khăn cho Thổ Nhĩ Kỳ bởi nước này đã chi những khoản tiền không thể kể xiết để đảm bảo sự hiện diện của mình ở miền Tây Libya được duy trì trong một thời gian dài."

Phía sau quyết định tiếp tục hiện diện quân sự ở Libya của Thổ Nhĩ Kỳ ảnh 2Ngoại trưởng Najla al-Manqoush. (Nguồn: Reuters)

Ông Akar cũng ngầm ám chỉ việc bà al-Manqoush trở thành Bộ trưởng Ngoại giao của Libya có liên quan tới sự can thiệp quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ, bởi theo ông sự can thiệp này đã giúp chấm dứt cuộc chiến ở Libya và tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình chính trị, dẫn đến việc lựa chọn một hội đồng tổng thống mới và một chính phủ mới.

Các phát biểu của ông Akar đã khiến nhiều người Libya tức giận, họ đã nổi giận trước hành động khiêu khích gây sốc của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như việc Ankara vi phạm chủ quyền của Libya.

Nghị sỹ Libya Ali al-Takbali nói với tờ The Arab Weekly rằng phản ứng của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ trước những phát biểu của người đồng cấp Libya “đã thể hiện sự kiêu ngạo. Thật không may, Ngoại trưởng Libya đã không ngăn người đàn ông 'kiêu ngạo' này để nhắc nhở ông ta rằng ông ấy chỉ là khách ở Libya, một đất nước chỉ thuộc về người dân Libya."

Còn nghị sỹ Gabriel Ouheida của Libya nhận xét những gì diễn ra trong cuộc họp báo chung "rõ ràng cho thấy ảnh hưởng không ngừng của Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya."

Ông phát biểu với tuần báo The Arab Weekly rằng "cuộc thương thuyết về việc duy trì lính đánh thuê hoặc ít nhất là sự hiện diện của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở Libya có vẻ như xa rời thực tế. Điều này được thể hiện rõ ràng thông qua giọng điệu trịnh thượng trong các tuyên bố của Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ."

Ông Ouheida nói thêm rằng ông lo ngại "Libya đang bên bờ vực của một cuộc khủng hoảng mới, cuộc khủng hoảng sẽ lại chia rẽ người dân Libya, bởi Thủ tướng chính phủ lâm thời Abdel Hamid Dbeibah đã không thể tránh được cách tiếp cận của người tiền nhiệm Fayez al-Sarraj do nhiều áp lực cũng như vì các liên minh nước ngoài trước đây."

Vấn đề lính đánh thuê và các lực lượng nước ngoài ở Libya, đặc biệt là quân đội Thổ Nhĩ Kỳ - ước tính vào khoảng 7.000 sỹ quan và binh sỹ từ các lực lượng trên bộ, trên không và trên biển - là một trong những thách thức phức tạp nhất mà chính phủ của ông Dbeibah phải đối mặt. Điều này là một thực tế bất chấp sự đồng thuận quốc tế về việc cần thiết phải giải quyết vấn đề đó trước cuộc tổng tuyển cử dự kiến diễn ra vào ngày 24/12 tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục