Asian Correspondent đưa tin, theo báo cáo mới nhất, các hoạt động khủng bố và con số thương vong đã tăng cao tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương kể từ năm 2002, trong đó Philippines phải chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của bạo lực chính trị trong khu vực.
Chỉ số Khủng bố toàn cầu (GTI) 2017 do Viện Kinh tế và hòa bình (IEP) công bố đã xếp hạng Philippines đứng thứ 12 trên thế giới, điều này có nghĩa quốc gia này chịu ảnh hưởng của khủng bố tồi tệ hơn Nam Sudan, Bangladesh và Libya. Thái Lan đứng thứ 16, gần sát sau đó.
Tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, khu vực mà theo báo cáo phân loại tách biệt với Nam Á, ở 3 nước Philippines, Thái Lan và Myanmar có sự gia tăng lớn nhất về hoạt động khủng bố trong giai đoạn kể từ năm 2002 tới nay. Số lượng các vụ tấn công ở 3 quốc gia này chiếm 94% trong năm 2016.
Từ năm 2002-2016, Philippines đã hứng chịu 3.118 vụ tấn công khủng bố khiến khoảng 2.453 người thiệt mạng.
Cho tới nay, phần lớn các vụ tấn công là do nhóm vũ trang Quân đội nhân dân mới (NPA) thực hiện. Nhóm này bị Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố.
Trước đó, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tuyên bố có ý định liệt NPA là tổ chức khủng bố. Từ năm 2002-2016, NPA đã tiến hành hơn 900 vụ tấn công, khiến hơn 600 người chết. Nhóm cũng đã tăng cường hoạt động từ năm 2012.
Các nhóm khủng bố hoạt động nhiều nhất tại Philippines phần lớn là các tổ chức vũ trang Hồi giáo, gồm nhóm phiến quân Abu Sayyaf, Mặt trận giải phóng Hồi giáo Moro (MILF), Phong trào chiến binh tự do Hồi giáo Bangsamoro (BIFF) và Jemaah Islamiyah./.