Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội gặp mặt Hội Di sản Văn hóa Việt Nam

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, lãnh đạo Hội và các thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tiếp tục phát huy trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm đối với văn hóa và di sản văn hóa.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà lưu niệm Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tặng quà lưu niệm Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. (Ảnh: TTXVN)

Chiều 20/11, tại Nhà Quốc hội, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp mặt Đoàn Đại biểu Hội Di sản Văn hóa Việt Nam.

Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ khẳng định, từ khi thành lập đến nay, bằng sự cố gắng liên tục, sáng tạo, không ngừng đổi mới, Hội đã có nhiều đóng góp tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Song, Hội cũng nhận thấy, những kết quả hoạt động trong thời gian vừa qua chỉ là bước đầu.

Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới, Hội cần tiếp tục đổi mới, năng động, sáng tạo để làm tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của mình về mọi mặt, chuẩn bị đội ngũ cán bộ trẻ bảo đảm sự phát triển liên tục, trước mắt là tích cực tham gia đóng góp chuẩn bị cho việc sửa đổi, bổ sung Luật Di sản văn hóa.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ bày tỏ mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm có những giải pháp cụ thể, đồng bộ nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; có chính sách nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân, các bảo tàng ngoài công lập, các nhà sưu tập tư nhân vào sự nghiệp quan trọng này; quan tâm, khích lệ các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về di sản văn hóa để họ làm tốt hơn nữa, đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.

Biểu dương và đánh giá cao về những kết quả hoạt động nổi bật của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, từ khi thành lập đến nay, Hội đã có bước phát triển khá toàn diện, bền vững, xây dựng được sự đoàn kết thống nhất từ Trung ương Hội đến các tổ chức cơ sở; luôn năng động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, không ngừng đổi mới tư duy và cách thức tổ chức hoạt động, khơi dậy được sức mạnh của cộng đồng.

Từ hiệu quả hoạt động thực tiễn, vị thế và uy tín của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam trong xã hội ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa. Với các thành tích đạt được, Hội rất xứng đáng được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Ba, Thủ tướng Chính phủ tặng 2 Bằng khen...

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nhấn mạnh, chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta là phát triển văn hóa đi đôi với tăng trưởng kinh tế, với tiến bộ và công bằng xã hội.

Đặc biệt, Luật Di sản Văn hóa là văn bản quan trọng, tạo hành lang pháp lý để bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa và tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao trách nhiệm của nhân dân trong công tác này.

ttxvn_hoi_di_san_van_hoa_viet_nam_20_2.jpg
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn với đại biểu. (Ảnh: TTXVN)

Trong bối cảnh thế giới nhiều khó khăn, thách thức, việc bảo vệ, phát huy các giá trị di sản văn hóa Việt Nam là yêu cầu rất cấp thiết và quan trọng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội mong muốn, lãnh đạo Hội và các thành viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tiếp tục phát huy trí tuệ, tâm huyết và trách nhiệm đối với văn hóa và di sản văn hóa; bám sát nhiệm vụ quy định trong Điều lệ Hội để thực hiện tốt các nhiệm vụ từ nay đến hết năm 2024.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tiếp tục đổi mới về nội dung, phương thức hoạt động phù hợp với bối cảnh mới hiện nay; thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa; phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong việc bảo vệ di sản văn hóa; đẩy mạnh các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các vùng miền, dân tộc, giữa các quốc gia khác trên thế giới.

Trên cơ sở nhiệm vụ của mình, Hội tích cực đóng góp thiết thực, hiệu quả vào dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV (tháng 5/2024) nhằm khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn, tạo hành lang pháp lý thuận lợi hơn cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục