Khi âm hưởng của Di sản Văn hóa Việt Nam lôi cuốn bạn bè quốc tế

Đông đảo Đại sứ, đại diện nước thành viên, lãnh đạo UNESCO đã dự Chương trình “Đêm Di sản Việt Nam” với chủ đề “Di sản Văn hóa là động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển bền vững."

Một số tiết mục do các nghệ sỹ đến từ Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc trình diễn. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)
Một số tiết mục do các nghệ sỹ đến từ Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc trình diễn. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, tối 17/11, tại Trung tâm Văn hóa Việt Nam ở thủ đô Paris, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã tổ chức Chương trình nghệ thuật “Đêm Di sản Việt Nam” với chủ đề “Di sản Văn hóa là động lực cho hòa bình, tự cường và phát triển bền vững."

Sự kiện đã thu hút sự tham dự của đông đảo Đại sứ, đại diện các nước thành viên và lãnh đạo UNESCO.

Về phía Việt Nam có Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Việt Nam bên cạnh UNESCO Lê Thị Hồng Vân, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà.

Phía quốc tế có Chủ tịch Đại hội đồng 42 Simona-Mirela Miculescu, Chủ tịch Hội đồng Chấp hành Tamara Rastovac Siamashvili, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Paraguay Adriana Ortiz, Trợ lý Tổng Giám đốc về đối ngoại và ưu tiên Châu Phi Anthony Ohemeng-Boamah, Giám đốc Trung tâm Di sản thế giới Lazare Assomo Eloundou.

Trong phát biểu chào mừng đại biểu, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cho biết đối với Việt Nam, văn hóa được coi là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước. Phát huy các giá trị văn hóa và sức mạnh của con người Việt Nam là chìa khóa để thực hiện khát vọng xây dựng một đất nước thịnh vượng.

Nhân dịp này, Đại sứ Lê Thị Hồng Vân cảm ơn sự hỗ trợ quý báu và hợp tác hiệu quả của UNESCO và tất cả các quốc gia thành viên trong việc gìn giữ và phát huy các di sản, đồng thời khẳng định rằng Việt Nam cam kết hợp tác chặt chẽ hơn nữa với UNESCO và các nước thành viên để bảo đảm di sản văn hóa không chỉ là di sản sống, ngọn nguồn của sự đa dạng và sáng tạo, mà còn là động lực cho hoà bình, tự cường và phát triển bền vững, đồng thời là nguồn cảm hứng cho tương lai.

Với tinh thần đó, Việt Nam ứng cử thành viên Ủy ban Di sản Thế giới 2023-2027 và mong nhận được sự hỗ trợ quý báu của các quốc gia thành viên UNESCO.

Phát biểu khai mạc “Đêm Di sản Việt Nam,” Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chào mừng các vị khách quý đã tới tham dự Chương trình văn hóa nghệ thuật đặc biệt “Đêm Di sản Việt Nam” và cho biết Việt Nam coi văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội.

Điều này rất phù hợp với tinh thần của Tuyên bố chung của Hội nghị Thế giới về Chính sách văn hóa vì sự phát triển bền vững Mondialcult tại Mexico 2022. Sự gặp gỡ trong nhận thức đã trở thành sự đồng hành trong hành động.

Bộ trưởng thông báo Việt Nam đã tiến hành kiểm kê, xếp hạng hơn 40.000 di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh ở các địa phương. Với hơn 35 di sản thuộc các loại hình do UNESCO công nhận từ Di sản Văn hóa, Thiên nhiên Thế giới, Di sản Văn hóa Phi Vật thể, đến tư liệu thế giới và các thành phố sáng tạo tham gia vào mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, Việt Nam tự hào với nền văn hóa đa dạng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Đặc biệt, Chính phủ Việt Nam đang xây dựng trình Quốc hội thông qua một Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa trong giai đoạn 10 năm.

Trong công cuộc chấn hưng văn hóa, Việt Nam luôn đề cao vai trò của nhân dân là chủ thể của di sản. Cộng đồng chính là chủ thể đã sáng tạo ra di sản, nắm giữ di sản, thực hành, trao truyền di sản, và sống được bằng di sản.

Di sản không chỉ có giá trị tinh thần mà trở thành của cải vật chất, gắn liền với sinh kế của cộng đồng dân cư. Việc ghi danh các di sản không chỉ khiến cộng đồng nhận diện, tự hào về các giá trị di sản nắm giữ, mà còn góp phần cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân, dịch chuyển cơ cấu kinh tế của nhiều địa phương theo hướng bền vững và bao trùm.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, Việt Nam tham gia Công ước Di sản Thế giới từ năm 1987.

Trải qua hơn 35 năm thực hiện Công ước, Việt Nam đã đạt được nhiều bước tiến quan trọng về nhận thức, lý luận và thực tiễn trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị Di sản Thế giới.

Là thành viên tích cực, có trách nhiệm tại Công ước 1972, Việt Nam đã tham gia Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2013-2017 và sau đó tiếp tục có những đóng góp hiệu quả, có tính chuyên môn cao cho hoạt động của Ủy ban Di sản Thế giới.

Năm 2022, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức Lễ kỷ niệm 50 năm Công ước tại Tràng An (Ninh Bình) với sự tham dự của bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO.

Các quan chức UNESCO có dịp thăm Việt Nam, trong đó có ông Lazare Eloundou Assomo, Giám đốc Trung tâm Di sản Thế giới đều đánh giá Việt Nam là hình mẫu về bảo tồn và phát huy di sản, và bày tỏ mong muốn kinh nghiệm của Việt Nam được chia sẻ với các quốc gia thành viên khác.

Với tinh thần đó, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch khẳng định “Việt Nam sẵn sàng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, chuyên môn cùng các quốc gia trên thế giới để đẩy mạnh công tác bảo tồn, phát huy giá trị hệ thống các di sản thế giới không chỉ trong khu vực mà trên toàn thế giới.”

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, “Đêm Di sản Việt Nam” là món quà của các nghệ sỹ đến từ Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc dành tặng bạn bè quốc tế.

Bộ trưởng hy vọng qua chương trình này, “những ai đã đến Việt Nam sẽ yêu mảnh đất này hơn, và ai chưa đến sẽ hiểu hơn về các loại hình di sản văn hóa đa dạng của Việt Nam, cũng như sự trân quý và tâm huyết mà chúng tôi dành cho công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa.”

ttxvn_di_san_2.jpg
Các đại biểu chúc mừng các nghệ sỹ đến từ Nhà hát Ca Múa Nhạc Dân gian Việt Bắc. (Ảnh: Thu Hà/TTXVN)

Đặc biệt, với tư cách là một thành viên tích cực, trách nhiệm của UNESCO, đồng thời là ứng cử viên cho vị trí thành viên Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Việt Nam mong muốn lan tỏa thông điệp, kêu gọi tất cả các quốc gia trên thế giới hãy chung tay, biến lời nói thành hành động, biến cam kết thành những chương trình, kế hoạch cụ thể, khả thi để công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di sản thế giới được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa trên phạm vi toàn cầu, góp phần gìn giữ và trao truyền những kho tàng văn hóa vô cùng quý giá này cho các thế hệ tương lai của chúng ta. Việt Nam rất mong nhận được sự ủng hộ quý báu của bạn bè quốc tế vào Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027.

Từ Hát Then đến Múa Sinh tiền, từ làn điệu Chầu văn đến Hầu đồng Tứ phủ, trong hơn hai tiếng đồng hồ, các đại biểu quốc tế đã được thưởng thức một chương trình nghệ thuật đặc sắc do các nghệ sỹ của Đoàn Nghệ thuật Dân gian Việt Bắc trình diễn với nhiều cung bậc cảm xúc và mang đậm màu sắc văn hóa dân gian.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Pháp, bà Tamara Rastovac Siamashvili, Chủ tịch Hội đồng chấp hành UNESCO, bày tỏ sự thích thú khi tham gia sự kiện "Đêm Di sản Việt Nam."

Theo bà, chương trình thể hiện sắc màu tươi sáng, sự đa dạng và phong phú của truyền thống văn hóa và lịch sử của Việt Nam.

Đồng thời cũng là một minh chứng cho các mô hình mà UNESCO hướng tới, đó là sự đa dạng, phong phú và khoan dung.

Đánh giá cao sự tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của UNESCO, bà cho rằng các hoạt động của Việt Nam góp phần đẩy mạnh việc quảng bá sự đa dạng của văn hóa của đất nước, đúng với tinh thần khoan dung, nhất quán, đúng với vị thế hiện có và góp phần thúc đẩy văn hóa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục