Nếu ai đã từng một lần đến làng Triều Khúc vào dịp lễ hội, được xem các chàng trai tô son má phấn, lả lơi trong từng bước nhảy thướt tha, uyển chuyển, hòa cùng nhịp trống dồn dập trong điệu múa Bồng chắc chắn sẽ bị cuốn hút bởi nét hấp dẫn của điệu múa có một không hai này. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong bộ quần áo mớ ba mớ bẩy, tô son má phấn, mắt lá răm, khăn mỏ quạ, các ‘cô gái’ vừa nhún nhảy vừa vỗ trống Bồng đeo trước bụng một cách nhí nhảnh, ngộ nghĩnh.(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Để múa được điệu này, các ‘cô gái’ đã phải tập luyện rất vất vả trước dịp diễn ra hội làng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
‘Con đĩ đánh bồng’ là điệu múa cổ nhất đất Thăng Long. Ra đời cách đây 12 thế kỷ, múa Bồng có ở nhiều nơi nhưng không đâu múa đẹp bằng làng Triều Khúc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông Triệu Đình Hồng, chủ nhiệm Câu lạc bộ Múa bồng - múa chạy cờ Triều Khúc, cho biết điệu múa này có từ thời Bố Cái Đại vương Phùng Hưng đánh thắng giặc Đường. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ông đã chọn làng Triều Khúc làm đại bản doanh để nghỉ ngơi và khao quân. Do không có phụ nữ nên ông đã cho những chàng trai giả gái múa điệu bồng để khích lệ quân lính. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Từng cặp đôi quấn lấy nhau theo từng nhịp trống.Để được múa bồng, vũ công phải hòa mình với điệu múa, nét mặt tươi tắn, ánh mắt lẳng lơ để thu hút người xem. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Anh Cao Anh (34 tuổi), một trong những người múa bồng cho biết: ‘Anh đã gắn bó với điệu múa này hơn chục năm. Điệu múa này rất tốn sức nên phải chọn người khỏe mạnh, lớp trẻ hiện nay đã lên thay nhóm múa gần hết. Vài năm tới có khi anh cũng nghỉ’.(Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trải qua nhiều biến cố lịch sử, múa bồng Triều Khúc vẫn được bảo tồn và lưu giữ trở thành một nét văn hóa đặc sắc của vùng đất Kinh kỳ. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
(Vietnam+)