Trước đây, người dân thôn Võ Lao, xã Văn Võ (Chương Mỹ, Hà Nội), khi được hỏi về nhà ông Tưng, bà Xúi, đều chỉ biết lắc đàu ái ngại.
Ông Nguyễn Văn Tưng, vốn là thương binh. Năm 1970, trở về từ chiến trường, ông cưới bà Đỗ Thị Xúi, từ đó ông phát bệnh. Nhà ông Tưng mười mấy khẩu đều bị tâm thần, chỉ duy có bà Xúi là tỉnh táo. Hơn 40 năm nay, căn nhà lụp xụp 3 thế hệ mất Tết. Nhưng Xuân Ất Mùi này, mọi sự đã khác.
Chúng tôi đến thăm gia đình ông Tưng-bà Xúi 1 ngày đầu Xuân. Hôm nay chỉ có bà Xúi cùng 3 đứa cháu: thằng Ba, thằng Tư, con Năm ở nhà. Bà Xúi cho biết: Từ ngày được chính quyền cùng những người hảo tâm giúp đỡ, gia đình bà đã được sửa lại nhà, một số vật dụng trong gia đình được mua mới, không còn phải sống cảnh tạm bợ, khổ sở như trước đây. Năm nay có Tết rồi!
Căn nhà được cộng đồng giúp đỡ cất lại cho gia đình ông Tưng. Mái lá được thay bằng mái ngói, tường quét vôi trắng, sàn nhà được lát gạch, và khung nhà được gia cố chắc chắn không còn sợ nắng mưa, bão bùng.
Bà Xúi tuổi đã cao, mắc chứng đau chân, đau khớp nên được bà con trang bị cho vật dụng bếp núc ngay sát giường nằm.
Bà Xúi là người tỉnh táo duy nhất trong nhà. Ông Tưng, anh Thêm (con trai) và con dâu cũng đều chịu di chứng chất độc màu da cam, lên cơn là đi lang thang nên bà thường phải ở nhà trông mấy đứa cháu. Nhưng năm nay, dù chồng con không ở nhà, nhưng bà Xúi vẫn vui, bởi ông không đi lang thang nữa, ông đi gói bánh chưng, và Thêm cũng thế, Thêm đi chợ mua sắm cho gia đình.
Ở tuổi 70, những thiếu thốn, bất tiện không còn là điều bà lo nhất, mà chính là mấy đứa cháu tội nghiệp. Xuân này, bà vui hơn, khi thằng Ba đã lớn hơn, biết nghe lời và chăm 2 em.
Em Ba, dù còn mải chơi, hay chạy đi lang thang theo bọn trẻ hàng xóm, nhưng không bao giờ quên chăm chút cho 2 em Tư, Năm.
Bé Tư (7 tuổi, áo đỏ) và bé Năm (5 tuổi, áo đen) thường cả ngày chỉ quấn lấy nhau. Tuy đôi lúc nghịch phá, nhưng vẫn nghe lời bà.
Anh Ba mải chơi theo đám bạn, 2 đứa cũng cả ngày quấn lấy nhau. Trong 5 đứa cháu ông Tưng, Tư bị nặng nhất: câm, điếc, tâm thần, năm nay 7 tuổi vẫn chưa nói được. 2 anh em chỉ biết giao tiếp với nhau bằng những tiếng ú ớ cùng cử chỉ mà chắc chỉ chúng mới hiểu được.
Những đứa trẻ này, chắc khó có thể cảm nhận được những biến chuyển tích cực đến với gia đình mình. Nhưng với bà Xúi, ở những năm tháng cuối đời, nhìn thấy thêm hy vọng cho cuộc đời các cháu mình, chắc cũng coi như được thoả nguyện.
Ất Mùi 2015, lần đầu tiên sau 44 năm, gia đình ba thế hệ nhà ông Tưng được đón Tết. Bà Xúi xúc động cầm trên tay cây đào toàn nụ, trong 1 năm mai đào thất thế, có vẻ như cuộc sống sáng sủa hơn đang đến với gia đình bà...
(Vietnam+)