Phú Thọ: Khẩn cấp khắc phục sạt lở nghiêm trọng ở bờ đê hữu sông Thao

Vị trí sạt lở nghiêm trọng nhất là đoạn từ km62+200 đến km63+000 thuộc huyện Tam Nông có chiều dài khoảng 800 mét, trong đó 200 mét đang sạt lở nghiêm trọng, hình thành kẽ nứt rộng từ 2-3 mét.
Phú Thọ: Khẩn cấp khắc phục sạt lở nghiêm trọng ở bờ đê hữu sông Thao ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Do ảnh hưởng của hoàn lưu cơn bão số 7, 8 và không khí lạnh tăng cường, thời gian qua, địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc xảy ra mưa to đến rất to trên diện rộng.

Mưa lớn kéo dài khiến mực nước sông Thao dâng cao, dòng chảy lớn, gây áp lực làm sạt lở nhiều đoạn bờ vở sông trên địa bàn huyện Tam Nông, Phú Thọ.

Những ngày gần đây, tuyến đê hữu Thao thuộc địa bàn khu 2, xã Thanh Uyên, huyện Tam Nông bị sạt lở, đứt gãy tại nhiều vị trí, lấn sâu vào thân đê và tiến sát đến nhà của các hộ dân, uy hiếp đến đến sự an toàn của 6 gia đình đang sinh sống ở trong đê.

Vị trí sạt lở nghiêm trọng nhất là đoạn từ km62+200 đến km63+000 có chiều dài khoảng 800 mét, trong đó 200 mét đang sạt lở nghiêm trọng, hình thành kẽ nứt rộng từ 2-3 mét.

Người dân ở đây cho biết, tình trạng sạt lở bắt đầu xuất hiện từ ngày 5/11/2021, những ngày gần đây sạt lở diễn ra nghiêm trọng làm tuyến đê bị sụt lún và đứt gãy.

[Mưa lớn gây ngập lụt và sạt lở nhiều nơi tại tỉnh Bình Định]

Ngoài ra, nhiều vết nứt chạy dọc theo mái đê xuất hiện có nguy cơ cao tiếp tục sạt trượt, đặc biệt nguy hiểm, đe dọa đến an toàn và tài sản của người dân. Với tốc độ sạt lở như hiện nay, chỉ còn 15 đến 20 mét nữa là đến nhà dân, bà con mong muốn Nhà nước có biện pháp xử lý khẩn cấp, có giải pháp kè để đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho người dân.

Trước thực trạng trên, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã đến kiểm tra thực tế và chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và Ủy ban Nhân dân huyện Tam Nông nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý khẩn cấp tình trạng sạt lở bờ đê hữu sông Thao thuộc địa bàn xã Thanh Uyên.

Trong thời gian chờ đợi, huyện phải thông báo, cắm biển, làm rào chắn cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, hạn chế người dân, gia súc, phương tiện đi vào khu vực sạt lở, kiên quyết không làm nguy hại đến tính mạng và tài sản của nhân dân.

Cùng với đó, các địa phương bám sát diễn biến thời tiết, sẵn sàng phương án sơ tán người dân và tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm ngay khi tình hình diễn biến xấu; thường xuyên kiểm tra, theo dõi và báo cáo kịp thời về Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh khi có tình huống phát sinh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục