Phú Yên: Tìm kế sinh nhai cho người dân về quê tránh dịch

Tỉnh Phú Yên đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để lo kế sinh nhai bền vững; mong muốn người dân Phú Yên ở lại quê hương lập nghiệp.
Phú Yên: Tìm kế sinh nhai cho người dân về quê tránh dịch ảnh 1Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Phong Phú-Phú Yên đang có nhu cầu tuyển dụng công nhân là cơ hội cho nhiều lao động có việc làm sau dịch COVID-19. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Dịch COVID-19 khiến hàng chục nghìn người dân tỉnh Phú Yên từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phải về quê. Trong số hơn 17.000 công dân ở Phú Yên được đón về (chưa kể những lao động về tự phát bằng phương tiện cá nhân) có nhiều người là lao động bị mất việc.

Những hỗ trợ ban đầu của chính quyền địa phương về lương thực, thực phẩm là sự giúp sức cần thiết để những người con xa xứ vơi bớt khó khăn. Không dừng lại ở đó, tỉnh Phú Yên đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để lo kế sinh nhai bền vững cho họ; nỗ lực cả trước mắt và lâu dài, với mong muốn người dân Phú Yên ở lại quê hương lập nghiệp.

Bám ruộng đồng để sản xuất

Những người dân của tỉnh Phú Yên trở về quê từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đa số là ở vùng nông thôn. Trước đây do khó khăn về kinh tế nên họ đã phải "ly nông" ra thành phố kiếm việc làm. Dịch COVID-19 ập đến, điều đầu tiên nhiều người nghĩ đến là trở về quê mưu sinh.

Anh Nguyễn Văn Trí ở thôn Phú Xuân B, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân, từ Thành phố Hồ Chí Minh về quê tránh dịch cách đây 2 tháng. Khi hết thời gian cách ly y tế và theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định, anh Trí lại làm những công việc như cắt cỏ nuôi bò, trồng rau, nuôi gà...

Để có nguồn vốn đầu tư chăn nuôi, gia đình anh đã được Ngân hàng Chính sách xã hội hỗ trợ vay vốn 30 triệu đồng.

"Dịch bệnh như thế này tìm được một công việc với mức thu nhập tương đối quả là rất khó. Thay vì chờ đợi hết dịch để quay vào nam tìm việc, mình chủ động cùng gia đình mua thêm một con bò để nuôi vỗ béo. Cỏ cho bò đã sẵn có ngoài ruộng nên chỉ cần thêm công chăm sóc. Khoảng 3 tháng nữa, bán được bò, gia đình cũng có thêm thu nhập trang trải vào dịp Tết Nguyên đán. Nếu dịch vẫn phức tạp thì mình cũng phải tính đến phương án bám trụ lại quê" - anh Nguyễn Văn Trí tâm sự.

[Đắk Lắk đảm bảo an toàn và an sinh cho người dân về từ vùng dịch]

Trong điều kiện tỉnh Phú Yên đã cơ bản được khống chế và đang thực hiện cấp độ 1 trong việc "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID19," Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh tỉnh Phú Yên đang đẩy mạnh việc tiếp cận, tư vấn và giải ngân cho vay để người dân có vốn sản xuất.

Theo ông Hồ Văn Thục, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Phú Yên, những nơi dịch COVID-19 được kiểm soát, các phiên giao dịch đã được tổ chức lại để giúp người dân tiếp cận được nguồn vốn. Đối với những hộ có lao động từ các tỉnh phía Nam về địa phương để tránh dịch muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư phát triển kinh tế sẽ được vay vốn.

Qua khảo sát nhanh tại các địa phương, nhu cầu vốn của các hộ dân là rất lớn. Trong kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2021, ngân hàng sẽ giải ngân cho vay hơn 30 tỷ đồng cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Bên cạnh đó, chúng tôi đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên bổ sung thêm nguồn vốn từ ngân sách địa phương và đề xuất Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam cân đối phân bổ thêm khoảng 100 tỷ đồng.

Cơ hội việc làm tại quê hương

Sau khi dịch COVID-19 được khống chế, các nhà máy may mặc, sản xuất nước khoáng đóng chai của Công ty Cổ phần Đầu tư Quốc tế Phong Phú - Phú Yên đã hoạt động trở lại trong trạng thái "bình thường mới."

Hơn 2.300 công nhân được đảm bảo việc làm với mức thu nhập bình quân hơn 7 triệu đồng và đầy đủ các chế độ theo Bộ luật Lao động. Từ nay đến cuối năm 2021, Công ty này cần tuyển dụng bổ sung từ 300 đến 500 công nhân lành nghề để lấp đầy các chuyền may.

Theo bà Nguyễn Thị Mỹ An, Giám đốc Điều hành Công ty Cổ phần đầu tư Quốc tế Phong Phú-Phú Yên, nhu cầu lao động của Công ty hiện nay rất lớn, nhất là công nhân lành nghề. Công ty đã xây dựng kênh tuyển dụng trực tuyến và đăng tuyển dụng trên mạng xã hội.

Công nhân có tay nghề cao ngoài việc được hưởng lương (theo khu vực) còn được hưởng phụ cấp ưu đãi nếu hoàn thành tốt công việc. Vào năm 2022, hai nhà máy của công ty vẫn tuyển dụng để duy trì số lượng công nhân từ 2.000 đến 2.500 người.

Để đáp ứng nhu cầu tìm kiếm việc làm, nhất là những bạn trẻ, Trung tâm Giới thiệu việc làm thanh niên (thuộc Tỉnh Đoàn Phú Yên) đã bắt đầu triển khai các hoạt động kết nối cung-cầu lao động.

Phú Yên: Tìm kế sinh nhai cho người dân về quê tránh dịch ảnh 2Anh Nguyễn Văn Trí (xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân) về quê tránh dịch được hỗ trợ vốn vay để nuôi bò. (Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN)

Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tuyển dụng và người lao động các phiên giao dịch việc làm; đăng ký nhu cầu tuyển dụng sẽ được duy trì bằng hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Anh Hà Nguyễn Tấn Huy, cán bộ Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên cho biết trong số các lao động khi trở về địa phương tránh dịch có 365 người đăng ký tìm việc làm. Những người này ở độ tuổi từ 20 đến 35. Các nhóm việc làm được tìm hiểu chủ yếu là da dày, xây dựng, cơ khí...

Hơn 100 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng lao động qua Trung tâm giới thiệu việc làm thanh niên. Các doanh nghiệp này quan tâm tuyển dụng lao động để phục vụ cho hoạt động kinh doanh du lịch, chế biến thủy sản. Nhu cầu tuyển dụng việc làm của doanh nghiệp là có, chỉ cần các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại bình thường sẽ có nhiều người kiếm được việc làm.

Ngay khi dịch COVID-19 tại Phú Yên được cơ bản khống chế, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tổ chức hội nghị tham vấn các nhà khoa học của Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về các chính sách mở cửa, hồi phục nền kinh tế. Đây được xem là điều kiện quan trọng để Phú Yên thu hút đầu tư và tạo được nhiều việc làm cho người lao động tại địa phương trong thời gian tới.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương, định hướng "mở cửa" sau đại dịch COVID-19 của tỉnh là mở từng bước, kiểm soát rủi ro và hướng tới có định hướng phát triển tốt hơn trong tương lai.

Thuận lợi ở tỉnh Phú Yên là đã tăng độ bao phủ vaccine phòng COVID-19; người dân đã quen dần với trạng thái "bình thường mới." Theo kế hoạch của Bộ Y tế, đến ngày 31/12/2021 sẽ phân bổ vaccine để tỉnh Phú Yên tiêm đủ 95% dân số có độ tuổi 18 trở lên với ít nhất 1 mũi.

Đây là điều kiện quan trọng để địa phương chuẩn bị; bước sang quý 1/2022 sẽ khởi động và giai đoạn tiếp theo là tăng tốc phục hồi phát triển kinh tế.

Về lâu dài, tỉnh Phú Yên đang triển khai xây dựng quy hoạch đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Luật Quy hoạch 2017. Dự kiến đến tháng 12/2021, tỉnh Phú Yên sẽ có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã có sự quan tâm về hợp tác đầu tư tại Phú Yên.

Trong thời gian tới, địa phương cũng sẽ tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư bằng hình thức trực tuyến với một số quốc gia có nhà đầu tư lớn và quan tâm đến Phú Yên như: Nhật Bản, Hàn Quốc...

"An cư mới lạc nghiệp" đó là điều mà người Việt Nam nào cũng thấu hiểu, nhất là trong khủng hoảng đại dịch COVID-19 vừa qua. Một khi những cơ hội "lạc nghiệp" đã được mở ra, không có nơi nào "an cư" tốt hơn ở chính quê hương mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục