Phục dựng Lễ tế Nam Giao để phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ

Với đời sống đương đại ngày nay, Lễ tế Nam Giao vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa thể hiện truyền thống của dân tộc, đặc biệt là ý nghĩa về giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc với thế hệ trẻ.
Phục dựng Lễ tế Nam Giao để phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ ảnh 1Quang cảnh Hội thảo. (Ảnh: TTXVN phát)

Với mục đích làm rõ ý nghĩa và giá trị của Nghi lễ tế giao (Lễ tế trời ở Đàn Nam Giao) trong lịch sử, quy trình và cách thức tế giao dưới các triều đại phong kiến Việt Nam nói chung, triều đại nhà Hồ nói riêng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa tổ chức Hội thảo Khoa học "Lễ tế Nam Giao trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam và Lễ tế Nam Giao Vương triều Hồ."

Đây là diễn đàn để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý địa phương chia sẻ kinh nghiệm góp phần nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn, quản lý di sản gắn với phát triển du lịch một cách bền vững tại Di sản Thành nhà Hồ. Hội thảo được tổ chức tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ, huyện Vĩnh Lộc ngày 22/8.

Các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các nhà bảo tồn, quản lý... thuộc Viện Khảo cổ học Việt Nam, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia, Hội Khảo cổ học Việt Nam, trung tâm nghiên cứu, các trường đại học, các cơ quan quản lý văn hóa... đã trình bày tham luận tập trung làm rõ ý nghĩa, giá trị của nghi lễ tế giao trong lịch sử, quy trình và cách thức tế giao dưới các triều đại phong kiến Việt Nam cũng như triều đại nhà Hồ. Từ đó, các đại biểu có những so sánh và tìm ra điểm tương đồng, khác biệt của Lễ tế Nam Giao Vương triều Hồ.

Một số tham luận đáng chú ý: "Vài suy nghĩ về Lễ tế Giao ở nước ta trong lịch sử" (Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Quốc Hùng), "Điển chế về vị trí, cấu trúc và nghi lễ Đàn tế Nam Giao ở Trung Quốc và Việt Nam" (Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Hồng Sơn - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn), "Đàn Nam Giao thời Hồ - Những giá trị nổi bật toàn cầu trong hệ thống đàn Nam Giao nước ta" (Tiến sỹ Trần Anh Dũng - Hội Khảo cổ học Việt Nam), "Cấu trúc đàn tế Nam Giao (Thành nhà Hồ) - Giá trị và giả thiết về việc bài trí thờ cúng ở đây" (Phó Giáo sư, Tiến sỹ Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam)...

Các tham luận đã khẳng định, Lễ tế Nam Giao hay gọi là cuộc tế trời đất có nguồn gốc từ Trung Hoa cổ đại rồi lan truyền sang một số nước khác trong khu vực.

Đối với đời sống đương đại ngày nay, Lễ tế Nam Giao vừa mang ý nghĩa tâm linh vừa thể hiện truyền thống của dân tộc, đặc biệt là ý nghĩa về giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc đối với thế hệ trẻ.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, trong lịch sử nước ta, trải qua các triều đại phong kiến và qua từng giai đoạn khác nhau, Lễ tế Nam Giao là một nghi lễ mang tính chất cung đình và có những điểm tương đồng nhất định.

Nghi lễ tế Giao của các triều đại phong kiến Việt Nam được thực hiện tại các đàn tế, thời Lý gọi là đàn Viên Khâu, sang thời Lê gọi là đàn Nam Giao.

Việc lập và tế lễ ở đàn Nam Giao không đơn thuần chỉ là việc thực hiện một loại nghi lễ quan trọng của một vương triều mà còn liên quan đến tính thần tự lực, tự cường quốc gia trong bối cảnh đương thời.

Tại Việt Nam, ngoài Đàn tế Nam Giao do chúa Nguyễn khởi dựng, còn lại đều là các đàn tế gắn với các triều đại phong kiến Việt Nam như: Đàn Nam Giao của kinh thành Thăng Long (gắn với triều đại Lý, Trần, Lê); đàn Nam Giao ở Thành nhà Hồ (do Hồ Hán Thương xây dựng vào năm 1402); đàn Nam Giao ở Vạn Lại nay thuộc xã Xuân Châu, huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) (do vua Lê Thế Tông xây dựng vào năm 1578); đàn Nam Giao ở Kinh đô Phú Xuân (triều Tây Sơn); đàn Viên Khâu (Nam Giao) thời Tây Sơn do Quang Toản đắp ở ngoài cửa Liễu Thị (Hà Nội)...

[Nhiều phát hiện mới tại cổng thành Di sản thế giới Thành nhà Hồ]

Các đại biểu đều đánh giá cao việc Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ triển khai nghiên cứu, sưu tầm tư liệu hồ sơ, cơ sở khoa học và thực tiễn về Lễ tế Nam Giao ở Thành nhà Hồ.

Các đại biểu đề xuất tỉnh Thanh Hóa báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, cho khôi phục Lễ tế Nam Giao ở Thành nhà Hồ trên cơ sở tham khảo lễ tế Giao thời Nguyễn tại Kinh thành Huế (do Ủy ban Nhân dân tỉnh Thừa Thiên-Huế chủ trì).

Phục dựng Lễ tế Nam Giao để phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ ảnh 2Một nghi lễ ngày Tết tại Thành nhà Hồ, tháng 1/2023. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)

Việc phục hồi Lễ tế Nam Giao Vương triều Hồ cần phù hợp với những điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay ở địa phương và phải chú trọng bảo tồn, kế thừa hệ thống nguyên tắc, bài bản thực hành nghi lễ truyền thống về lễ tế, lễ nhạc, lễ phục, lễ vật cũng như về thời gian và địa điểm tổ chức nghi lễ...

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia nhấn mạnh Đàn Nam Giao là công trình kiến trúc cung đình đồng thời là một thiết chế tôn giáo tiêu biểu ở kinh thành Tây Đô của Vương triều Hồ, được lập ra để nhà vua tổ chức lễ tế trời đất hàng năm.

Lễ tế Đàn Nam Giao là “hồn cốt,” là yếu tố văn hóa phi vật thể nên cần được lập dự án nghiên cứu và phục dựng hoàn chỉnh tạo ra sự kết nối và gắn bó giữa hai mặt giá trị Di sản Văn hóa Vật thể và Di sản Văn hóa Phi Vật thể.

Tuy nhiên, hiện trạng Đàn Nam Giao Vương triều Hồ đang ở dạng phế tích, kiến trúc chưa hoàn chỉnh, không có khả năng đáp ứng yêu cầu tối thiểu cho việc thực hành lễ tế đàn Nam Giao tại Thanh Hóa.

Vì vậy, rất cần nghiên cứu, phục dựng một số hạng mục kiến trúc, tôn tạo di tích cho thật hoàn chỉnh hơn nữa để có thể tái lập một không gian văn hóa tâm linh điển hình, một tiểu phức hệ sinh thái xanh cộng với cảnh quan văn hóa làng quê với sự tham gia đầy đủ, đồng thuận của cộng đồng chủ thể văn hóa để có thể thực hành Lễ tế Đàn Nam Giao tại đây.

Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành nhà Hồ Nguyễn Bá Linh khẳng định kết quả của hội thảo sẽ là cơ sở quan trọng để Trung tâm tiếp tục tổng hợp, đưa ra hướng nghiên cứu, chuẩn bị cho cuộc hội thảo lần thứ hai nhằm xác định giá trị lịch sử, văn hóa của Lễ tế Nam Giao vương triều Hồ.

Các ý kiến đóng góp của các đại biểu sẽ góp phần quan trọng trong việc củng cố cơ sở khoa học cho việc tỉnh Thanh Hóa hướng tới phục dựng Lễ tế Nam Giao Vương triều Hồ, đồng thời bảo tồn những giá trị văn hóa của cha ông để lại, tái hiện một phần truyền thống văn hóa cung đình đặc sắc qua các triều đại phong kiến Việt Nam, trong đó có lễ tế Nam Giao Vương triều Hồ.

Việc làm này cũng thể hiện việc thực hiện cam kết chiến lược của Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa với UNESCO trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản thế giới Thành nhà Hồ.

Đàn tế Nam Giao Thành nhà Hồ được xây dựng xong vào tháng 8/1402, nay thuộc địa giới hành chính thị trấn Vĩnh Lộc, huyện Vĩnh Lộc (Thanh Hóa). Dưới triều đại vua Hồ Quý Ly, Đàn tế Nam Giao là nơi hàng năm nhà vua tiến hành lễ cúng tế cầu quốc thái dân an hoặc lễ tế vào những dịp đại xá thiên hạ. Đàn tế Nam Giao Thành nhà Hồ được đánh giá là đàn tế có niên đại sớm nhất nước ta.

Sau bốn lần thám sát, khai quật từ năm 2004 đến nay, các nhà khoa học đã nhận diện được cơ bản đặc trưng của di tích Đàn tế Nam Giao Thành nhà Hồ với kiến trúc khá độc đáo: lưng dựa núi, mặt nhìn về hướng Nam, các nền đàn được sắp xếp giật cấp cao dần lên.

Trải qua hơn 600 năm với những thăng trầm lịch sử, đàn tế Nam Giao Thành nhà Hồ được đánh giá là một trong ba đàn tế còn giữ được mặt bằng tương đối nguyên vẹn, cổ nhất trong lịch sử đàn tế Nam Giao của Việt Nam./.

Phục dựng Lễ tế Nam Giao để phát huy giá trị Di sản Thành Nhà Hồ ảnh 3Ngày 9/1/2023, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart có buổi làm việc với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thành Nhà Hồ để nghe báo cáo khai quật khảo cổ học tại Di sản Văn hoá Thế giới Thành Nhà Hồ từ năm 2020. (Ảnh: Hoa Mai/TTXVN)
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục