Người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC), bà Andrea Ammon, ngày 12/2 cảnh báo nguy cơ virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 có thể còn tồn tại lâu dài, bất chấp tỷ lệ lây nhiễm đã chậm lại gần 50% trong tháng Một vừa qua và nhiều nước trên thế giới đã triển khai chiến dịch tiêm vắcxin ngừa COVID-19 trên diện rộng.
Trả lời phỏng vấn của hãng tin AFP (Pháp), bà Andrea Ammon hối thúc các nước châu Âu không lơ là, mất cảnh giác với một loại virus "dường như thích nghi tốt với con người."
Theo bà, thế giới cần chuẩn bị cho kịch bản virus này sẽ vẫn "đeo bám" con người và các chuyên gia có thể phải tiếp tục sản xuất vắcxin phòng bệnh, tương tự như trường hợp bệnh cúm mùa.
[WHO để ngỏ mọi giả thuyết về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2]
Sau làn sóng dịch bệnh, bắt đầu ở Trung Quốc hơn một năm trước, đã có những tia hy vọng le lói xuất hiện khi cơ sở dữ liệu của AFP cho thấy tỷ lệ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 đã chậm lại 44,5% trên toàn thế giới trong tháng Một vừa qua. Đây là mức giảm lớn nhất và được duy trì lâu nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát hồi đầu năm 2020.
Tuy nhiên, giới chuyên gia dịch tễ cảnh báo vắcxin ngừa COVID-19 sẽ không thể chấm dứt đại dịch nếu tất cả các nước trên thế giới không nhận được vắcxin một cách nhanh chóng và công bằng.
Trên thực tế, tại Australia, hơn 6 triệu người dân Melbourne và các khu vực lân cận đang phải chịu cảnh phong tỏa khẩn cấp kéo dài năm ngày nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Theo các biện pháp hạn chế mới, có hiệu lực từ 0 giờ 00 ngày 13/2, người dân sẽ phải ở nhà nếu không có việc thực sự cần thiết. Giải thi đấu tennis Australia Open sẽ diễn ra mà không có khán giả./.