Trang theconversation.com đăng bài viết của Ilan Noy, Giáo sư làm việc tại trường Đại học Victoria Wellington (New Zealand), và Ami Neuberger - Phó giáo sư Viện Công nghệ Technion (Israel), phân tích về những rào cản lớn đối với tiêm phòng COVID-19 toàn cầu, bao gồm quyền sáng chế, tư lợi quốc gia và khoảng cách giàu nghèo, nội dung như sau:
Chúng ta sẽ không thể chiến thắng được đại dịch COVID-19 nếu hầu hết dân số thế giới chưa được miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2).
Tuy nhiên, thế giới đang cần một chiến dịch tiêm chủng toàn cầu khác so với những gì chúng ta đang thấy.
Ví dụ, tính đến ngày 20/1, số người được tiêm chủng ở Israel (với dân số chưa đầy 10 triệu) cao hơn nhiều so với ở châu Phi và châu Mỹ Latinh cộng lại.
Chưa nói đến tính hiệu quả của vắcxin, rõ ràng có sự chênh lệch trong việc triển khai vắcxin trên phạm vi quốc tế.
Thực tế là chừng nào vẫn còn tồn tại những ổ dịch, virus sẽ có thể lây lan trở lại cho những đối tượng không thể hoặc không chịu chủng ngừa.
Qua thời gian, virus cũng sẽ có thể biến đổi thành các biến thể dễ lây lan hơn, gây tử vong cao hơn và có khả năng kháng vắcxin cao hơn. Do đó, rõ ràng là mọi quốc gia đều quan tâm đến việc phổ cập tiêm chủng.
Tuy nhiên, hiện có những rào cản lớn cho việc đạt được mục tiêu này trên phạm vi toàn cầu.
Chính trị và lợi nhuận
Điều may mắn là ở các quốc gia đang triển khai tiêm chủng, vắcxin (hầu như) không được phân bổ trên cơ sở giàu có hay quyền lực, mà ưu tiên cho những người có nguy cơ cao nhất.
Tuy nhiên, ở cấp quốc gia, sự giàu có của mỗi quốc gia đang quyết định việc triển khai vắcxin.
Hiện có 2 rào cản đối với tiến trình triển khai tiêm chủng COVID-19:
Một là, các hãng dược phẩm lớn hoạt động vì lợi nhuận và do đó giữ bí mật tuyệt đối về quyền sở hữu trí tuệ với các vắcxin mới.
Hai là, các quốc gia đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, chỉ cam kết tiêm phòng cho người dân trong nước.
Tại thời điểm này, chúng ta chưa có một hệ thống toàn cầu để giải quyết một trong hai vấn đề này. Mỗi bằng sáng chế vắcxin đều do có chủ sở hữu riêng, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) không phải là Bộ Y tế của cả thế giới.
Mô hình vắcxin bại liệt những năm 1950
Tuy nhiên, việc khắc phục động cơ lợi nhuận của các hãng dược phẩm lớn là điều thế giới đã làm được trước đây.
Năm 1955, Jonas Salk tuyên bố đã sáng chế ra vắcxin bại liệt trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trên thế giới. Đồng thời, ông cũng tuyên bố rằng để tối đa hóa việc phân phối toàn cầu loại vắcxin này, phòng thí nghiệm của ông sẽ không xin cấp bằng sáng chế.
[Trung Quốc triệt phá đường dây làm giả vắcxin ngừa COVID-19]
Khi được hỏi ai sở hữu quyền sáng chế, ông đã có câu trả lời nổi tiếng: “Bạn có thể cấp bằng sáng chế cho Mặt Trời?”
Nhờ đó, Israel, một quốc gia nhỏ và tương đối nghèo vào những năm 1950, đã trở thành quốc gia thứ ba trên thế giới (sau Mỹ và Đan Mạch) sản xuất vắcxin bại liệt trong nước và đã xóa sổ bệnh bại liệt, trong điều kiện chỉ có một số ít nhà khoa học, ngân sách khiêm tốn và quan trọng nhất là không cần có bằng sáng chế.
Gần đây hơn, một chiến dịch quốc tế đã được triển khai rất thành công vào đầu những năm 2000, nhờ việc các phương pháp điều trị AIDS có thể được áp dụng rộng rãi ở các nước nghèo.
Các công ty dược phẩm sở hữu các loại thuốc được cấp bằng sáng chế được yêu cầu phải cung cấp các loại thuốc này với giá gốc hoặc miễn phí, không theo giá thị trường ở các nước giàu.
Điều này đạt được nhờ áp lực của công chúng và sự sẵn sàng của các chính phủ trong việc hỗ trợ các chính sách cần thiết.
Việc tạm ngừng quyền sáng chế đối với vắcxin ngừa COVID-19, dù có hoặc không có bồi thường cho các công ty bào chế, chỉ là một cái giá nhỏ phải trả cho một chiến lược vượt qua cuộc khủng hoảng toàn cầu đang gây thiệt hại rất lớn này.
Hành động địa phương, suy nghĩ toàn cầu
Việc vượt lên hẳn lợi ích quốc gia có lẽ là điều phức tạp hơn. Rõ ràng, các quốc gia trước tiên quan tâm đến việc tiêm phòng cho các nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất.
Tuy nhiên, vào một thời điểm nào đó, trước khi tất cả mọi người dân trong nước đều được tiêm chủng, việc các quốc gia cung cấp vắcxin cho các nước láng giềng (những quốc gia mà họ có quan hệ giao thương lớn nhất) sẽ lại có hiệu quả hơn.
Đáng tiếc là hiện nay các nước giàu đang có vẻ chỉ muốn đạt tỷ lệ tiêm chủng 100% trước khi nghĩ đến việc cung cấp vắcxin cho các nước khác, trong đó nhiều nước đã đặt mua vượt quá lượng vắcxin cần thiết.
Ngoài ra, chương trình COVAX phân phối vắcxin ở các nước nghèo hơn cho đến nay vẫn chưa nhận được các khoản tài trợ cần thiết để có thể cung cấp một liều vắcxin nào.
Ngay cả khi được tài trợ đầy đủ, COVAX cũng chỉ có thể cung cấp được một số lượng vắcxin mà không đủ cho các nước nghèo nhất, chưa nói đến việc thực hiện một chương trình tiêm chủng phổ cập.
Điều may mắn là việc khắc phục được mục tiêu tối đa hóa lợi nhuận của các hãng dược phẩm lớn và sự tư lợi của các chính phủ không phải là một giấc mơ viển vông. Thế giới của chúng ta từng làm được điều này./.