Quan điểm chính sách của các ứng cử viên thay thế Thủ tướng Abe

Các vấn đề như đối sách phòng chống COVID-19, khôi phục nền kinh tế, phát triển địa phương được dự báo là những nội dung tranh luận trọng tâm giữa các ứng cử viên trong cuộc vận động bầu cử sắp tới.
Quan điểm chính sách của các ứng cử viên thay thế Thủ tướng Abe ảnh 1(Từ trái qua phải) Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga, cựu Tổng thư ký LDP Ishiba Shigeru và Trưởng ban Nghiên cứu chính sách Fumio Kishida. (Nguồn: AFP/Yonhap)

Theo báo Nikkei, đến thời điểm này đã có thể xác nhận được ba ứng cử viên cho cuộc đua trở thành Chủ tịch Đảng dân chủ Tự do (LDP) thay ông Shinzo Abe là Chánh văn phòng nội các Yoshihide Suga, cựu Tổng thư ký LDP Ishiba Shigeru và Trưởng ban Nghiên cứu chính sách Fumio Kishida.

Các vấn đề như đối sách phòng chống dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), khôi phục nền kinh tế, phát triển địa phương được dự báo là những nội dung tranh luận trọng tâm giữa các ứng cử viên trong cuộc vận động bầu cử sắp tới.

Ngày 2/9, phát biểu trong buổi họp báo chính thức công bố ra tranh cử, ông Suga cho biết vấn đề ưu tiên hàng đầu trong chính sách của ông đó là các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Ông cũng cho rằng các biện pháp đối phó với dịch COVID-19 của Chính phủ Nhật Bản đã có phần chậm trễ trong việc triển khai xét nghiệm PCR, đảm bảo hệ thống y tế.

Ông Suga cho rằng cần cải cách những điểm bất cập của hệ thống cơ quan hành chính phân chia theo chiều dọc hiện nay, xem xét điều chỉnh lại chức năng các cơ quan hành chính địa phương và chính phủ, quan hệ giữa các bộ ngành, trong đó có bộ y tế, lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản.

Ông Suga nhấn mạnh rằng việc để trống quyền lực chính trị trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay là không chấp nhận được. Trong thời điểm nguy cấp, tính chính trị liên tục là quan trọng.

Với tư cách là Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, ông đã đề xuất những chính sách nhằm đối phó với dịch COVID-19, trên cơ sở quan điểm phòng chống dịch nhưng vẫn đảm bảo phát triển kinh tế. 

Có thể thấy trong số đó là chiến dịch "Go to Travel" nhằm kích thích tiêu dùng du lịch đã đạt được kết quả tích cực. Khi được hỏi về việc trong nội bộ đảng LDP đang có đề xuất trao quyền cho tỉnh trưởng các địa phương tăng cường kiểm soát việc đi lại của người dân, thời gian kinh doanh, sự cần thiết phải sửa đổi Luật về các biện pháp đặc biệt đối phó với chủng cúm mới, ông Suga đã trả lời rằng việc trao quyền hơn nữa cho các địa phương và sửa đổi luật liên quan sẽ được đưa ra thảo luận sau khi dịch COVID-19 được kiểm soát.

Ở chiều ngược lại, ứng cử viên Ishiba đang hối thúc chính phủ cần khẩn trương triển khai gói biện pháp bao gồm sửa đổi Luật về các biện pháp đặc biệt đối phó với chủng cúm mới, kết hợp đồng thời hỗ trợ kinh tế cho những chủ thể kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

[Chính sách đối ngoại của Nhật thay đổi thế nào khi ông Abe từ chức?]

Ông Ishiba cũng đề xuất thành lập Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Nhật Bản, trên cơ sở hình mẫu cơ quan này tại Mỹ, đồng thời tăng cường mở rộng hoạt động xét nghiệm PCR.

Ứng cử viên Kishida cũng cho rằng cần phải hoàn thiện cơ chế xét nghiệm PCR, đồng thời xem xét hỗ trợ về mặt tài chính đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn về mặt kinh phí trong khi hoạt động xét nghiệm được mở rộng.

Ở lĩnh vực kinh tế, quan điểm của ông Kishida và Ishiba cũng rất được chú ý khi ông Suga cho biết sẽ kế thừa chính sách kinh tế Abenomics của thủ tướng Shinzo Abe. 

Trong buổi họp báo ngày 2/9, ông Suga đã tuyên bố rằng, chính sách kinh tế là ưu tiên lớn nhất từ trước đến nay và ông có trách nhiệm tiếp tục kế thừa, thúc đẩy Abenomics.

Đối với chính sách nới lỏng tiền tệ quy mô lớn - biểu tượng của Abenomics, ông Suga bày tỏ ý định tiếp tục duy trì quan hệ với Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) giống như Thủ tướng Abe trước đây. 

Ngoài ra, ông Suga cũng nhấn mạnh rằng, trong chính quyền thủ tướng Abe trước đây, với tư cách là Chánh văn phòng Nội các, ông đã góp phần ổn định nhiều chính sách kinh tế và những bước đi cải cách mà chính quyền đã thúc đẩy trước đây sẽ không thể đột ngột dừng lại.

Đối với vấn đề điện thoại di động hiện nhận được sự quan tâm lớn của người tiêu dùng, ông Suga cho rằng cần phải hạ giá cước, điều chỉnh lại phương thức hợp đồng và thời gian chờ đợi tại các cửa hàng.

Về các tổ chức tài chính địa phương, ông Suga cho rằng việc hỗ trợ là cần thiết, song số lượng các tổ chức này hiện nay là quá nhiều. Ông sẽ tiếp tục triển khai chiến lược tăng trưởng trên cơ sở tăng lương tối thiểu và sử dụng nguồn nhân lực là người nước ngoài.

Dù đánh giá cao Abenomics song hai ứng cử viên Kishida và Ishiba lại đang đề xuất cải cách chính sách này. Ông Kishida cho rằng: "Thành quả của tăng trưởng đã không lan tỏa đến các doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như các địa phương". Ông đề xuất "điều chỉnh khoảng cách," "hỗ trợ tầng lớp trung lưu và thúc đẩy tái phân bổ của cải cho toàn xã hội.

Trong số ba ứng cử viên, ông Kishida là người duy nhất thể hiện quan điểm coi trọng kỷ luật tài khóa khi cho rằng việc huy động tài khóa không phải là biện pháp cần thiết để đối phó với dịch COVID-19 hiện nay và cần phải củng cố tài khóa trong trung hạn.

Trong khi đó, khi được hỏi về viện pháp nới lỏng tài chính quy mô lớn, ứng cử viên Ishiba đã cho rằng khi nhà nước can thiệp quá mạnh vào thị trường, thị trường chứng khoán Nhật Bản sẽ bị đặt dấu hỏi.

BoJ và Cơ quan hành chính quản lý quỹ hưu trí độc lập (GPIF) đã đưa ra nghi ngờ tình trạng mua hỗ trợ chứng khoán Nhật Bản hiện nay. Ông Ishiba cũng chỉ ra rằng "thu nhập của các cá nhân không tăng trưởng tốt" và cần "xem xét giảm thuế tiêu dùng sau khi đảm bảo các nguồn tài chính thay thế."

Kế hoạch phục hồi kinh tế địa phương cũng là chủ đề mà cả ba ứng cử viên đưa ra trong tuyên bố tranh cử của mình. Trong cuộc bầu cử chủ tịch LDP sắp tới, mỗi địa phương sẽ được phân bổ ba phiếu bầu.

Đối với ứng cử viên Kishida và Ishiba, việc có được bao nhiêu phiếu bầu từ các địa phương cũng rất được chú ý khi nhiệm kỳ Hạ viện cũng chỉ còn 1 năm và hai ứng cử viên này có sự chênh lệch phiếu bầu đáng kể trong cuộc bầu cử Hạ viện trước đây.

Trong cuộc họp báo ngày 2/9, ông Suga cho biết với tư cách Chánh văn phòng Nội các, ông đã nỗ lực thúc đẩy lĩnh vực thuế, xúc tiến du lịch và mở rộng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp cho quê hương.

Ông nhấn mạnh xuất thân từ vùng nông thôn, đồng thời thể hiện quan điểm coi trọng và xây dựng các địa phương phát triển sôi động. Thông qua câu chuyện về quê hương, ông Suga đã tạo ra ấn tượng tốt về mối quan hệ với các địa phương so với hai ứng cử viên còn lại.

Ứng cử viên Kishida đưa ra chính sách cốt lõi là "Thành phố kỹ thuật số địa phương." Kế hoạch này sẽ thúc đẩy số hóa tại các vùng nông thôn, phát triển việc làm, giáo dục và chăm sóc y tế ở vùng xa.

Trong khi đó, ứng cử viên Ishiba đã đề xuất chính sách kinh tế chủ đạo dựa trên nhu cầu của các địa phương, xem xét điều chỉnh quy hoạch vùng kinh tế khu vực Tokyo hiện đang quá tải, góp phần tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho khu vực nông thôn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục