Nhật Bản: Các ứng cử viên công bố cương lĩnh tranh cử Chủ tịch LDP

Trong cương lĩnh tranh cử của mình, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga thể hiện quan điểm chú trọng việc lựa chọn các thành viên Nội các có tư duy cải cách.
(Từ trái sang) Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba tại cuộc họp báo chung ở Tokyo ngày 8/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)
(Từ trái sang) Cựu Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida, Chánh Văn phòng Nội các Yoshihide Suga và cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba tại cuộc họp báo chung ở Tokyo ngày 8/9/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 8/9, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga đã công bố cương lĩnh tranh cử trong cuộc đua giành chức Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền. Trong đó, ông Suga thể hiện quan điểm chú trọng việc lựa chọn các thành viên Nội các có tư duy cải cách. 

Phát biểu trong cuộc họp báo khởi động chiến dịch tranh cử chính thức, ông Suga và ứng cử viên khác là cựu Ngoại trưởng Fumio Kishida cho biết hai ông sẽ xem xét việc có hay không giải tán Hạ viện trước khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào tháng 10/2021 và kêu gọi tiến hành cuộc tổng tuyển cử sau khi dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được kiểm soát. 

Ngoài ra, trong cương lĩnh tranh cử của mình, ông Suga đề xuất nhà nước sẽ chịu chi phí bảo hiểm cho dịch vụ về sinh sản đắt đỏ để khuyến khích người dân sinh con, qua đó tăng tỷ lệ sinh liên tục giảm trong thời gian dài và hiện đang là thách thức của quốc gia Đông Bắc Á này.

[Nhật Bản: Cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch LDP chính thức bắt đầu]

Trong khi đó, ứng cử viên còn lại là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba cho biết ông không nghĩ đến việc tiến hành cuộc bầu cử trước thời hạn bởi theo ông, các nghị sỹ nên phục vụ hết nhiệm kỳ 4 năm.

Các vấn đề nóng trong cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch LDP lần này bao gồm việc liệu có nên duy trì các chính sách của chính quyền Thủ tướng Abe Shinzo, nhất là chính sách kinh tế Abenomics, và làm thế nào để tiếp tục các chính sách đó; các biện pháp để đối phó với dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và vực dậy nền kinh tế và việc sửa đổi Hiến pháp.

Thông thường, các ứng cử viên sẽ đi khắp cả nước để gặp gỡ các cử tri và có các bài phát biểu chính sách nhưng lần này, họ sẽ không làm như vậy do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, các cuộc tranh luận giữa các ứng cử viên cũng sẽ được truyền hình trực tiếp thay vì tổ chức ở quy mô lớn, với đông người tham gia.

LDP dự kiến sẽ tổ chức bỏ phiếu vào ngày 14/9 tới để bầu Chủ tịch mới. Bất cứ ai giành thắng lợi trong cuộc bầu cử này gần như chắc chắn sẽ trở thành Thủ tướng mới trong phiên họp bất thường của Quốc hội vào ngày 16/9 tới bởi LDP đang chiếm đa số ghế tại cả Hạ viện lẫn Thượng viện./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục