Quan hệ giữa Nga và phương Tây: Từ hy vọng đến... thất vọng

Quan hệ giữa Nga và phương Tây: Từ hy vọng đến... thất vọng

Ở Nga và phương Tây tồn tại những khác biệt mang tính nguyên tắc về những vấn đề cơ bản nhất, những vấn đề quan trọng nhất của trật tự thế giới hiện đại và tương lai.
Quan hệ giữa Nga và phương Tây: Từ hy vọng đến... thất vọng ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Wendy Sherman (trái) và Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov (phải) tại cuộc đàm phán an ninh ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 10/1/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trang mạng của Hội đồng Đối ngoại Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) mới đây đăng bài phân tích về quan hệ Nga-phương Tây của ông Andrey Kortunov, Tổng Giám đốc RIAC.

Theo bài viết, nhìn lại hơn 3 thập kỷ lịch sử phức tạp và đầy mâu thuẫn của nước Nga thời hậu Xô Viết, người ta đặt câu hỏi: quỹ đạo quan hệ của Moskva và phương Tây đã được xác định trước như nào? Có kịch bản nào khác có thể thay thế cho sự phát triển các mối quan hệ như hiện nay, với các đặc điểm ít bất đồng và xung đột hơn, hợp tác rộng rãi và ổn định hơn giữa các bên hay không? Hay sự rạn nứt chiến lược của Nga và các đối tác phương Tây ngay từ đầu đã mang tính lịch sử không tránh khỏi, và câu hỏi đặt ra là sự rạn nứt này sẽ xảy ra khi nào và dưới hình thức cụ thể nào?

Có thể, các nhà sử học, xã hội học, chính trị gia và nhà báo sẽ tranh luận về các yếu tố khách quan và chủ quan đã ảnh hưởng đến thực tế là trong suốt 30 năm nước Nga đã không trở thành một phần không thể tách rời của “phương Tây tập thể.”

Việc Điện Kremlin từ bỏ chính sách “thân phương Tây” một cách nhất quán vào đầu thập kỷ 90 của thế kỷ trước là yếu tố lịch sử không thể tránh khỏi.

Sự gia tăng của chủ nghĩa dân tộc thất vọng, chủ nghĩa hoài nghi đối với các giá trị dân chủ tự do và các cuộc giao tranh nóng định kỳ với các quốc gia “phương Tây cũ” đã được ghi nhận ở nhiều quốc gia hậu xã hội chủ nghĩa tại Trung và Đông Âu, bao gồm cả những quốc gia đã hội nhập thành công vào các cơ chế an ninh châu Âu-Đại Tây Dương và phát triển.

Đối với Nga, ngay cả trong những thời điểm ghi nhận sự hợp tác tốt đẹp nhất với phương Tây cũng rất khó để kỳ vọng Nga sẽ trở thành một thành viên đầy đủ và kỷ luật của Liên minh châu Âu (EU) hoặc hoàn toàn phù hợp với các cấu trúc quân sự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

[Nga cần câu trả lời cụ thể của phương Tây về bảo đảm an ninh]

Tuy nhiên, tại một thời điểm nào đó với trí tưởng tượng nhất định, có thể hình dung việc Nga tích cực tham gia hoạt động của các thể chế chính trị NATO mà không nhất thiết phải tham gia các cấu trúc quân sự của khối này - tương tự như Pháp trong giai đoạn 1966-2009.

Ngoài ra, về nguyên tắc, có thể tưởng tượng Nga sẽ nhanh chóng bắt kịp, thậm chí vượt Thổ Nhĩ Kỳ trong quan hệ hợp tác pháp lý, văn minh-văn hóa và chính trị với EU… Tất cả những điều này hoàn toàn có thể xảy ra, với điều kiện là trong suốt hơn 30 năm qua, cả hai bên đều khôn ngoan, kiên trì và nhẫn nại hơn, cũng như sẵn sàng thỏa hiệp với nhau hơn.

Các nước phương Tây có thể thể hiện sự sẵn sàng đầu tư nhiều nguồn vốn chính trị hơn vào các thể chế chung châu Âu thay vì cố định vào việc mở rộng địa lý của các cấu trúc độc quyền của họ kế thừa từ thời Chiến tranh Lạnh.

Về phần mình, Nga có thể thực hiện các nhiệm vụ lịch sử hòa giải với các quốc gia láng giềng Baltic và Trung Âu một cách nghiêm túc hơn, biến họ từ những đối thủ cứng đầu của Moskva, nếu không trở thành những nhà vận động hành lang thường xuyên vì lợi ích của Nga ở Brussels, ít nhất cũng trở thành những nhà quan sát biết chia sẻ với sự chuyển đổi của Nga.

Trong mọi trường hợp, cơ hội thiết lập không gian châu Âu-Đại Tây Dương thống nhất “từ Vancouver đến Vladivostok” đã biến mất mà không thể cứu vãn. Và hiện nay điều đó không còn quan trọng khi chính sự rạn nứt giữa Nga với phương Tây đã trở nên không thể đảo ngược - cho dù nó xảy ra vào năm 2014, khi cuộc khủng hoảng ở Ukraine bước vào giai đoạn cấp bách, hay 6 năm trước đó, trong cuộc xung đột vũ trang ở Nam Caucasus.

Điều quan trọng là hiện nay không còn phương Tây, không còn nước Nga, không còn thế giới của 30 năm, 20 năm hay thậm chí là 10 năm trước nữa.

Đơn giản là không thể quay lại - trong những năm gần đây, cán cân quyền lực toàn cầu đã thay đổi, chương trình nghị sự của thế giới đã thay đổi, và cũng có những thay đổi đáng kể trong những ưu tiên quốc gia của cả Moskva và nhiều quốc gia phương Tây. Không thể thay đổi lịch sử, và cả hai bên cần tiến lên chứ không phải quay đầu lại.

Có ý kiến cho rằng trở ngại chính trên chặng đường hòa giải giữa Nga và phương Tây là “vấn đề Ukraine.” Nếu điều kỳ diệu đưa các bên trở lại thời điểm trước năm 2014, mọi bất đồng, mâu thuẫn giữa các bên ở châu Âu, và ở cả các khu vực khác trên thế giới, có thể được giải quyết nhanh chóng và tương đối dễ dàng. Chúng ta có thể đồng tình một phần với quan điểm này - Ukraine đã là đối tượng chính của các tranh chấp giữa Moskva và phương Tây trong suốt gần 8 năm. Nhưng có vẻ như không chỉ trong vấn đề Ukraine.

Cũng giống như 30 năm trước, giữa Nga và phương Tây có những khác biệt quan trọng về vị trí địa lý, kinh nghiệm lịch sử, truyền thống lâu đời và đặc biệt là tâm lý xã hội. Năm 1991, nhiều người cảm thấy những khác biệt này có thể vượt qua bằng ý chí chính trị và sự sẵn sàng hợp tác giữa hai bên.

Nhưng 30 năm qua đã cho thấy những hy vọng này là sai lầm.

Những khác biệt giữa Nga và phương Tây cho tới nay vẫn để lại dấu ấn trong nhận thức chung về thế giới và logic chính trị của các bên, gây khó khăn cho việc đạt được thỏa hiệp trong từng vấn đề cụ thể. Ở Nga và phương Tây (ít nhất là ở cấp độ tinh hoa chính trị, và chừng mực nào đó ở cấp độ xã hội nói chung) tồn tại những khác biệt mang tính nguyên tắc về những vấn đề cơ bản nhất, những vấn đề quan trọng nhất của trật tự thế giới hiện đại và tương lai.

Điều gì là đúng và điều gì sai trong thế giới của chúng ta? Điều gì là công bằng và bất công trong hệ thống quốc tế? Điều gì là hợp pháp và bất hợp pháp? Trật tự thế giới mới cần phải như thế nào và ai chịu trách nhiệm tạo ra trật tự thế giới đó?

Đan xen lên những khác biệt này ở phương Tây và Nga là nhận thức về điểm yếu cơ bản và ngày càng sâu sắc của bên còn lại. Phương Tây không mệt mỏi nói về sự mong manh, lạc hậu của nền kinh tế Nga, về sự thiếu hụt về công nghệ của Nga trong nhiều lĩnh vực quan trọng, về cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng ở Nga.

Về phần mình, Nga cũng nhận định rằng nhiều xã hội phương Tây đang trong tình trạng chia rẽ, phân tán, rằng niềm tin của công chúng vào các thể chế nhà nước ở phương Tây đang sụt giảm, rằng về mặt kinh tế, phương Tây đang ngày càng tụt hậu so với sự phát triển năng động của Trung Quốc. Do đó, cả phương Tây và Nga đều không vội vàng là người chủ động tiến về phía đối diện.

Bất cứ kỳ vọng nào vào một sự “hòa giải cuối cùng” giữa Nga và phương Tây trong tương lai gần đều không có cơ sở. Chỉ có lịch sử mới xác định quan điểm của ai về quan hệ quốc tế, về thế giới nói chung và về vị trí của họ trong thế giới này là chính đáng hơn. Trong khi đó, Nga và các đối tác phương Tây chủ yếu chỉ có thể đạt được sự đồng thuận về việc làm thế nào giảm tối đa thiệt hại và giảm thiểu rủi ro liên quan các cuộc đối đầu hiện tại và có thể tiếp diễn trong thời gian dài nữa. Tất nhiên, không loại trừ sự hợp tác giữa hai bên về các vấn đề cùng quan tâm.

Ví dụ, các bên có thể đồng ý về các biện pháp để ổn định tình hình chính trị-quân sự ở châu Âu, bao gồm việc khôi phục các liên lạc bị gián đoạn giữa quân đội Nga và NATO ở các cấp độ khác nhau, giảm nguy cơ xảy ra các sự cố không chủ ý trên bộ, trên không và trên biển, tái khẳng định nghĩa vụ chung của các bên được quy định trong điều khoản sáng lập Nga-NATO được ký năm 1997.

Một lệnh cấm song phương đối với việc triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu, cũng như việc các bên thông qua các biện pháp giảm hoạt động quân sự dọc theo đường biên giới giữa Nga và NATO cũng sẽ có ý nghĩa rất lớn.

Ổn định tình hình ở châu Âu không giống như việc hình thành một hệ thống an ninh tập thể; châu Âu vẫn sẽ bị chia rẽ về mặt chính trị và quân sự trong một thời gian dài. Nhưng thậm chí một châu Âu bị chia rẽ cũng có thể trở thành một nơi an toàn và thoải mái hơn cho tất cả người dân châu Âu nếu có thể đồng ý về những “lằn ranh đỏ” mà các bên không nên vượt qua.

Khi niềm tin dần được vun đắp, có thể đặt ra các nhiệm vụ tham vọng hơn như cải tổ và nâng cao vị thế của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu. Hai bên cũng có thể hợp tác trong lĩnh vực chuyển đổi năng lượng, khắc phục hậu quả của đại dịch COVID-19, ngăn chặn chủ nghĩa cực đoan chính trị và chủ nghĩa khủng bố quốc tế, quản lý dòng người di cư, bảo vệ và phát triển Bắc Cực và các khu vực mà lợi ích của các bên có sự trùng khớp hoàn toàn hoặc một phần.

Ngoài ra, khi đưa ra các quyết định trong chính sách đối ngoại, các bên không nên chỉ tính đến lợi ích riêng, mà phải tính đến lợi ích của toàn bộ hệ thống quan hệ quốc tế. Việc phá hủy hệ thống này không mang lại điều tốt đẹp cho bất cứ bên nào, cả Nga và phương Tây./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục