Quan hệ Hội đồng châu Âu-Nga: Đối đầu sau 26 năm 'tri kỷ'

Ciệc sáp nhập Crimea năm 2014 và sự can thiệp của Nga vào Donbass đã đánh dấu sự chuyển từ đối thoại sang đối đầu giữa Moskva và Hội đồng châu Âu.
Quan hệ Hội đồng châu Âu-Nga: Đối đầu sau 26 năm 'tri kỷ' ảnh 1Toàn cảnh phiên họp của Hội đồng châu Âu về xung đột Nga-Ukraine, ở Strasbourg, miền Đông Pháp ngày 24/2/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 16/3, Hội đồng châu Âu đã quyết định trục xuất Nga khỏi tổ chức sau 26 năm quốc gia này mang tư cách thành viên.

Theo báo La Libre của Bỉ, lịch sử quan hệ giữa Nga và Hội đồng châu Âu bắt đầu ngay trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, với chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev tới Strasbourg (Pháp) hồi tháng 7/1989.

Trong một bài phát biểu nổi tiếng, ông Gorbachev đã phát triển khái niệm của mình về một “mái nhà chung châu Âu” được phác thảo ngay cả trước khi ông lên nắm quyền năm 1985.

Sự hoan nghênh sau đó thật đáng nhớ, nhưng thời điểm đó không ai tưởng tượng được những biến động địa chính trị sẽ dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô chính thức vào ngày 25/12/1991.

Ngay từ tháng 1/1992, Liên bang Nga đã trở thành khách mời đặc biệt của Hội đồng Nghị viện của Hội đồng châu Âu và vào tháng 5 năm sau, Moskva đã nộp đơn xin gia nhập và được chấp nhận vào tháng 1/1996, bất chấp chiến tranh Chechnya.

Vector ảnh hưởng

Nga chính thức là “nước đóng góp lớn” vào ngân sách của tổ chức, sau đó đã có đại diện trong tất cả các cơ quan của Hội đồng châu Âu, bao gồm cả trong Tòa án nhân quyền châu Âu sau khi nước này phê chuẩn Công ước vào năm 1998.

Mặc dù là quốc gia thành viên duy nhất không chính thức bãi bỏ án tử hình (chỉ giới hạn ở mức đình chỉ hợp pháp), công dân Nga có thể nhờ đến các thẩm phán của Strasbourg và ít nhất là trong thời gian đầu - chính phủ tuân thủ các bản án được đưa ra.

[Hội đồng châu Âu tạm đình chỉ tư cách thành viên của Nga]

Nếu ngay từ đầu, Nga dựa vào Hội đồng châu Âu một cách hiệu quả để thúc đẩy việc xây dựng nền dân chủ, nước này cũng nhanh chóng chứng kiến một vector ảnh hưởng phi thường trong nền tảng toàn châu Âu rộng lớn (với 39 quốc gia thành viên khi gia nhập và 47 trước khi bị loại ra).

Trong hơn hai thập kỷ, Nga kết thúc tư cách thành viên Hội đồng châu Âu bằng việc tố cáo các chính sách của phương Tây mà họ mô tả là “hai trọng lượng, hai thước đo” trước khi kết tội một tổ chức mà lẽ ra đã trở thành “một kênh gây áp lực chính trị” được “một số quốc gia” sử dụng để “dạy người khác một bài học,” hoặc thậm chí là “một nền tảng của những câu thần chú về sự ưu việt và lòng tự ái của phương Tây,” theo một tuyên bố đăng ngày 10/3 trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga.

Lằn ranh đỏ đã bị vượt qua

Chắc chắn, việc sáp nhập Crimea năm 2014 và sự can thiệp của Nga vào Donbass đã đánh dấu sự chuyển từ đối thoại sang đối đầu giữa Moskva và Hội đồng châu Âu.

Cơ quan này theo đuổi chính sách mở rộng rộng tay đến cùng, tin rằng trách nhiệm của họ là trở thành diễn đàn quốc tế duy nhất nơi các nghị sĩ và đại diện của chính phủ Nga và Ukraine có thể trao đổi quan điểm, nhưng cuối cùng lại kết thúc bằng việc “tự cắn vào tay mình.”

Hôm 15/3, giữa hội trường Nghị viện, trong khi tranh luận về việc trục xuất Nga, nhiều nghị sỹ đã xin lỗi vì đã không lắng nghe những người đồng cấp Ukraine nói riêng và từ khối Đông Âu cũ nói chung, những người đã làm mọi cách, nhưng vô ích, để ngăn phái đoàn Nga trở lại phòng họp sau khi quyết định đình chỉ quyền biểu quyết vào năm 2014.

Năm 2019, khi phái đoàn nghị sỹ Nga trở lại các cuộc họp của Hội đồng châu Âu và tự tin vào sức mạnh của họ, các vấn đề Skripal, Navalny,... được bổ sung vào nhiều báo cáo và thủ tục tố tụng khác liên quan việc Nga vi phạm pháp quyền, dân chủ, và quyền của phái đoàn Nga tham dự hội nghị một lần nữa lại trải qua thử thách hồi tháng 1/2022 để cuối cùng được thông qua.

Ai cũng nghĩ rằng việc thử “chung sống” chắc chắn sẽ có nhiều xáo trộn nhưng hoàn toàn có thể. Không ai tưởng tượng (hoặc không muốn tưởng tượng) được rằng vào ngày 24/2 vừa qua, Nga đã vượt qua “lằn ranh đỏ” bằng chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine.

“Trận động đất” đối với Hội đồng châu Âu

“Ngôi nhà chung châu Âu” mà Gorbachev mơ ước sau đó đã sụp đổ và lần đầu tiên sau hơn 70 năm tồn tại, Hội đồng châu Âu đã khai trừ một trong các quốc gia thành viên của họ. Đó là một trận động đất.

Được thành lập năm 1949 để thúc đẩy và củng cố hòa bình ở châu Âu giữa các quốc gia đã cam kết giải quyết sự khác biệt mà không cần dùng đến vũ khí, lần đầu tiên trong lịch sử tổ chức phải đương đầu với chiến tranh. Hội đồng sẽ phải xác định lại vai trò nếu muốn duy trì uy tín trong việc thúc đẩy an ninh, dân chủ.

Về phần mình, Nga sẽ chỉ tái gia nhập trên cơ sở một lời đề nghị mới và sau một sự thay đổi căn bản cách thức lãnh đạo của các nhà cầm quyền. Chắc chắn việc này sẽ không thể sớm diễn ra, bởi lần này Hội đồng châu Âu sẽ phải cân nhắc rất kỹ nếu muốn “đặt cược” vào Nga thêm một lần nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục