Quan hệ Nga-Mỹ: Băng tan, nhưng còn lạnh giá

Sau chuyến thăm Mátxcơva, ông Obama đã “phá băng” để Nga-Mỹ xích lại gần nhau hơn, song bất đồng còn tồn tại, quan hệ hai bên còn lạnh giá.

Sau 8 năm bị băng giá nghiêm trọng dưới thời Tổng thống George Bush, quan hệ Nga-Mỹ đã có bước khởi động mới sau chuyến thăm Mátxcơva ba ngày của ông chủ Nhà Trắng Barack Obama.

Có thể nói ông Obama đã thực hiện được mục tiêu “phá băng” với những thỏa thuận được coi là nền tảng để hai bên xích lại gần nhau hơn trong tương lai, song với những bất đồng còn tồn tại, quan hệ giữa Mátxcơva và Washington vẫn còn lạnh giá.

Rõ ràng, Tổng thống Obama đã thể hiện một cách tiếp cận hoàn toàn mới mẻ, khác hẳn người tiền nhiệm Bush trong chính sách ngoại giao với quốc gia từng là đối thủ trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh.

Tại cuộc hội đàm với ông chủ Điện Kremli Dmitry Medvedev, cuộc gặp Thủ tướng Vladimir Putin hay trong bài phát biểu “hùng hồn” trước các sinh viên tại trường Đại học kinh tế mới ở Mátxcơva, ông Obama đều thể hiện một tông giọng mới với thiện chí hàn gắn mối quan hệ Nga-Mỹ vốn bị rạn nứt nghiêm trọng.

Tổng thống Mỹ kêu gọi Mátxcơva và Washington vượt qua những hoài nghi của thời Chiến tranh Lạnh để tạo dựng mối quan hệ đối tác toàn cầu thực sự giữa hai nước bởi việc thiết lập lại quan hệ với Nga là một phần trong nỗ lực cải cách tổng thể chính sách đối ngoại nhằm loại bỏ “những di sản thất bại và sai lầm” của người tiền nhiệm.

Kết quả nổi bật trong chuyến thăm là việc hai bên ký kết thỏa thuận khung về cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược, theo đó hai bên nhất trí giảm số đầu đạn hạt nhân xuống còn 1.500 - 1.765 cũng như giảm số phương tiện phóng các đầu đạn xuống còn từ 500 - 1.100.

Ngoài ra, Nga cũng đã chấp nhận cho phép Mỹ sử dụng không phận và lãnh thổ nước này để vận chuyển vũ khí và binh sĩ tới Afghanistan nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống khủng bố. Đây được coi là vấn đề hai bên có nhiều lợi ích chung nhất bởi cả Washington và Mátxcơva đều mong muốn chặn đứng các đường dây cung cấp ma tuý từ Afghanistan sang Nga.

Washington lo ngại các đường dây này là nguồn cung cấp tài chính cho các phần tử khủng bố Al-Qaeda, trong khi Mátxcơva cho rằng các đường dây ma tuý đang làm băng hoại xã hội Nga. Hai bên cũng nhất trí tái khởi động các cuộc tiếp xúc quân sự giữa quân đội hai nước từng bị đóng băng sau cuộc xung đột chớp nhoáng hồi tháng 8 năm ngoái giữa Nga và Gruzia.

Việc hai bên đạt được sự nhất trí về những vấn đề cơ bản trên được dư luận nhìn chung đánh giá là bước đi quan trọng giúp khởi động quan hệ Nga-Mỹ, đặc biệt trong bối cảnh tình hình thế giới đang đòi hỏi hai cường quốc này hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề toàn cầu.

Tiến bộ đạt được trong vấn đề giải giáp hạt nhân có thể giúp hai bên tạo nền móng cho sự tin cậy lẫn nhau, trên cơ sở đó có thể tiến tới giải quyết những vấn đề khác. Tuy nhiên, dư luận vẫn hoài nghi về tương lai của mối quan hệ Nga-Mỹ bất chấp những “thành quả” mà ông Obama đạt được trong chuyến thăm.

Theo nhận định của báo “Il Sole Ore” (Italy), những thỏa thuận trong lĩnh vực an ninh vừa được ký kết giữa Nga và Mỹ thực chất chỉ là cách giải quyết những vấn đề còn tồn đọng từ thời Chiến tranh Lạnh bởi những đầu đạn hạt nhân sẽ được cắt giảm trên thực tế không còn giá trị sử dụng, trong khi những thỏa thuận trên không có hiệu lực đối với những vũ khí tối tân mà hai nước đang sở hữu và không ngừng phát triển.

Bên cạnh đó, việc Nga chấp thuận cho Mỹ sử dụng không phận và lãnh thổ để vận chuyển vũ khí sang Afghanistan cũng kèm theo những điều kiện và giới hạn nhất định. Trong khi đó, Washington chưa chịu nhượng bộ Mátxcơva trong kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa ở Cộng hòa Séc và Ba Lan, một vấn đề có ý nghĩa quan trọng đối với an ninh quốc gia của Nga.

Theo quan điểm của Mátxcơva, nếu muốn đạt được tiến bộ trong việc cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược, cần phải giải quyết vấn đề phòng thủ tên lửa ở Đông Âu. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov thậm chí đã cảnh báo rằng Mỹ sẽ phá hoại tiến trình hướng đến một thỏa thuận mới với Nga về cắt giảm vũ khí hạt nhân nếu Washington quyết định thiết lập một hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu.

Ngoài ra, những bất đồng chưa được tháo gỡ giữa hai bên liên quan tới vấn đề hạt nhân của Iran, Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên cũng như việc kết nạp Gruzia và Ukraine vào NATO cũng sẽ tiếp tục là những rào cản lớn đối với sự phát triển của quan hệ Nga-Mỹ trong tương lai.

Có thể nói cuộc gặp thượng đỉnh Obama-Medvedev đã giúp “điều chỉnh lại” mối quan hệ Nga-Mỹ, thậm chí có thể lạc quan hơn khi nói rằng “những trang khó khăn” trong quan hệ giữa hai nước đã được khép lại, song trên thực tế để hoàn toàn thoát khỏi nỗi ám ảnh của Chiến tranh Lạnh và hướng tới một mối quan hệ bình đẳng, hiệu quả, cùng có lợi không phải là điều dễ dàng, nhất là khi Washington và Mátxcơva chưa thực sự tạo dựng được sự tin cậy lẫn nhau./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục