Chìm trong biển nước

Quảng Nam: Thủy điện xả lũ nhấn chìm vùng hạ du

Do mưa to, các nhà máy thủy điện ở Quảng Nam phải xả lũ, vùng hạ du chìm trong biển nước, hàng nghìn người dân phải sơ tán khẩn.
Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có mưa to, nhất là tại những huyện miền núi nên các nhà máy thủy điện phải xả lũ khiến vùng hạ du của các thủy điện Đăk Mi 4, Sông Bung 4A, A Vương chìm trong biển nước.

Chiều và đêm 2/10, nhiều vùng hạ du bị cô lập, chính quyền địa phương đã phải sơ tán khẩn cấp hàng nghìn người dân.

Tại huyện Đại Lộc, do mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa chiều 2/10 dâng trên báo động 3 nên chính quyền huyện đã phải huy động lực lượng sơ tán 416 hộ dân với 1.602 nhân khẩu ngay trong đêm.

Từ chiều 2/10, Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Đại Lộc đã chỉ đạo các trường cho học sinh nghỉ học trong ngày 3/10.

Mực nước trên sông Vu Gia tại Ái Nghĩa vào 3 giờ sáng 3/10 là 8,47m, dưới báo động 3 là 0,53m; sau đó, nước bắt đầu rút chậm.

Đến khoảng 10 giờ 30 phút sáng nay, mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghãi đo được 8,25m, trên báo động 2 là 0,25m.

Lũ lụt đã gây ngập cục bộ tại nhiều địa phương, một số tuyến giao thông quan trọng bị chia cắt như tuyến đường tỉnh 609 khu vực cầu Gò Quan Âm (Đại Quang-Đại Nghĩa), bến đò ông Bốn (Đại Đồng-Đại Lãnh); tuyến đường huyện 3 có cầu Lừ (Đại Phong), đường nội thị có cầu Ngoại Thương (thị trấn Ái Nghĩa)...

Ông Hồ Quách Triều Đổng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đại Quang cho biết, đêm 2/10, toàn xã có 70 nhà dân tại thôn Trường An bị ngập sâu gần 1m. Sáng nay, nước đã rút ra khỏi nhà, nhưng tại khu vực cầu Gò Quan Âm (khoảng Km20+200) vẫn bị tắc nghẽn giao thông do nước còn ngập sâu.

Liên tục mưa lớn làm nước đầu nguồn đổ về lớn, cộng với việc các thủy điện xả lũ khiến những người dân vùng rốn lũ như Đại Hưng, Đại Lãnh càng điêu đứng.

Tại huyện Nông Sơn, khoảng từ 18 giờ chiều ngày 2/10 nước bất ngờ dâng cao đột ngột và tràn qua khu vực Cầu Dài trên con đường độc đạo từ xã Quế Lộc đi xã Quế Trung. Ngoài ra, tuyến đường từ xã Quế Trung lên xã Phước Ninh cũng bị ngập sâu 0,5m nước tại khu vực cầu Khe Rinh.

Ở xã Quế Ninh, nhiều trục đường cũng bị nước lũ cô lập, nhất là khu vực cầu Bà Sự và Khe Dừa. Nhiều tuyến giao thông trọng yếu của huyện gần như bị tê liệt hoàn toàn.

Tuy nhiên, đến sáng 3/10 thì lũ cơ bản đã rút, người dân cũng đã đi lại được. Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão huyện Nông Sơn khuyến cáo người dân không nên đi vớt củi, bắt cá tại những khu vực nguy hiểm khi nước vẫn còn chưa rút hết.

Bão số 10 không trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Quảng Nam, tuy nhiên do chịu ảnh hưởng của hoàn lưu bão nên trên địa bàn có mưa rất to trên diện rộng. Tuy nhiên, các nhà máy thủy điện đã không chủ động trong việc điều tiết xả lũ khi chưa đầy hồ nên khi mưa lớn kéo dài thì buộc phải xả với tần suất lớn để cứu hồ nên gây hậu quả nặng nề cho người dân vùng hạ du.

Người dân Quảng Nam, đặc biệt là nhân dân vùng hạ du sông Vu Gia và Thu Bồn, mong muốn các nhà máy thủy điện cho biết thông tin chính xác thời điểm xả lũ, mức độ xả và thời gian dừng xả lũ để địa phương nắm bắt rõ nhằm có biện pháp ứng phó kịp thời, đả thông tư tưởng cho bà con nhân dân ổn định cuộc sống, yên tâm sản xuất./.

Nguyễn Sơn (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục