Viện Địa chất thuộc Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam vừa có văn bản gửi Ủy ban Nhân dân thành phố Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh thông tin về nguyên nhân sụt lún đất tại tổ 1, khu Nam Sơn 2, phường Cẩm Sơn xảy ra ngày 13/9 vừa qua.
Theo đó, nguyên nhân được đưa ra là do yếu tố vận động tự nhiên, cơ chế sụt đất tại đây cũng giống như các vụ sụt đã xảy ra từ năm 2013 và 2014.
Theo kết quả phân tích, đây là vụ sụt lún lớn nhất trong 3 năm trở lại đây, các hố sụt đều có kích thước lớn, các lớp đất bề mặt đều bị hút xuống sâu 8-10m. Vùng sụt nằm trên khu vực được cảnh báo có nguy cơ sụt đất cao và có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc sụt đất. Cùng với đó, sự cố sụt đất tại Cẩm Sơn còn có yếu tố kích hoạt của nước thấm rỉ.
Trong điều kiện bình thường, lớp ngăn cách giữa lớp vật liệu bở rời và tầng đá gốc chưa bị phá hủy khiến vật liệu không bị lôi quấn vào hang ngầm. Tại khu vực sụt đất tại khu Nam Sơn 2, phường Cẩm Sơn, lớp ngăn cách này đã bị nước rò rỉ và theo đường thoát xuống hang ngầm, khiến vật liệu bị kéo theo, dần thành không gian rỗng trong tầng vật liệu bở rời và gây ra nứt mặt. Khi kích thước không gian ngầm đủ lớn gây ra hiện tượng sụt đất.
Trước đó, từ chiều ngày 12/9 vừa qua, mặt đất đường vào khu phố Nam Sơn thuộc phường Cẩm Sơn của thành phố Cẩm Phả xuất hiện nhiều vết nứt ngang, dọc. Đến rạng sáng ngày 13/9 vừa qua, các vết nứt trở thành hố sụt lún sâu gần 3m, rộng khoảng 100m. Phần sụt lún chủ yếu nằm trên đường đi, không ảnh hưởng nhà dân.
Hồi tháng Năm và tháng 8/2014, thành phố Cẩm Phả cũng đã xảy ra hiện tượng sụt lún đất ở nhiều điểm trong khu dân cư, gây thiệt hại về tài sản của người dân thành phố.
Sau khi nghiên cứu thực địa, Viện Địa chất cũng đưa ra một số khuyến cáo trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới việc định hướng cho nhân dân về bản chất khoa học của hiện tượng sụt đất, đồng thời theo dõi hiện tượng nứt trên bề mặt đất các khu vực cảnh báo để có xử lý kịp thời giảm thiểu thiệt hại./.