Quảng Ninh: Trợ giúp pháp lý miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới, hải đảo được trợ giúp pháp lý miễn phí trong các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh và trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.
Trợ giúp viên pháp lý tư vấn pháp luật cho đồng bào dân tộc. huyện Bình Liêu. (Nguồn: Bộ Tư pháp)

Từ nay đến hết năm 2025, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã, thôn, bản thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới và hải đảo của tỉnh Quảng Ninh sẽ được trợ giúp pháp lý miễn phí.

Đây là chính sách mới nhất mà Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026 mới thông qua tại Kỳ họp thứ 11 vào đầu tháng 11.

Đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng nói trên sẽ được trợ giúp pháp lý miễn phí trong các vụ việc xảy ra trên địa bàn tỉnh và trong các lĩnh vực pháp luật, trừ lĩnh vực kinh doanh, thương mại.

Các hình thức trợ giúp pháp lý gồm tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng. Dự kiến, trong vòng 3 năm, từ nay đến hết năm 2025, tỉnh sẽ hỗ trợ khoảng 300 vụ việc pháp lý ở 65 xã và 21 thôn, bản vùng dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

[Tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực]

Thông qua việc trợ giúp pháp lý, tỉnh Quảng Ninh sẽ hỗ trợ người dân tộc thiểu số bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các quan hệ pháp luật phù hợp với điều kiện đặc thù của tỉnh; nâng cao trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật, ý thức sử dụng pháp luật của người dân tộc thiểu số; nâng cao chất lượng tranh tụng; gắn kết chặt chẽ hơn nữa giữa công tác trợ giúp pháp lý với các chính sách giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo.

Qua đó giúp đồng bào dân tộc thiểu số thụ hưởng tối đa các chính sách ưu đãi theo quy định; góp phần xây dựng xã, thôn, bản đạt chuẩn tiếp cận pháp luật và thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hiện, Quảng Ninh có khoảng 127.000 đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên chỉ có khoảng hơn 49.000 người (chiếm 39% số người dân tộc thiểu số) ở 12 thôn bản có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng trợ giúp pháp lý theo quy định tại Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017.

Qua khảo sát ý kiến đại diện các hộ gia đình người dân tộc thiểu số và ý kiến từ chính quyền địa phương, nhu cầu trợ giúp pháp lý của người dân tộc thiểu số tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo ngày càng tăng trong các năm gần đây.

Do vậy, chính sách mới của tỉnh sẽ phủ kín 61% đồng bào dân tộc thiểu số còn lại (không nằm trong đối tượng của Luật Trợ giúp pháp lý) được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục