Quảng Trị: Không để người dân bị đói và rét do mưa lũ kéo dài

Tỉnh Quảng Trị nỗ lực hỗ trợ lương thực, thực phẩm với quyết tâm không để người dân nào bị đói, rét. Các lực lượng chức năng đã sơ tán trên 11.100 hộ dân với 34.800 người đến các địa điểm an toàn.
Quảng Trị: Không để người dân bị đói và rét do mưa lũ kéo dài ảnh 1Di chuyển người dân ra khỏi khu vực ngập lũ tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị). (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN)

Theo báo cáo nhanh Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Trị, tính đến ngày 19/10, đã có 41 người chết; 16 người người mất tích và 20 người bị thương trong đợt lũ lịch sử lần này.

Mưa lũ cũng đã làm hàng ngàn ngôi nhà chìm sâu trong nước. Hiện nay, nhiều địa phương vẫn đang bị cô lập, chia cắt, chính quyền địa phương các cấp trong tỉnh đang nỗ lực hỗ trợ lương thực, thực phẩm với quyết tâm không để người dân nào bị đói, rét.

Từ ngày 16/10 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã tiếp tục xảy ra ngập lụt sâu trên diện rộng ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố (trừ huyện đảo Cồn Cỏ). Trong đợt ngập lụt mới này đã có 80/124 xã, phường, thị trấn với trên 53.700 hộ có nhà bị ngập lụt.

Tỉnh Quảng Trị đã sơ tán trên 11.100 hộ dân với 34.800 người đến các địa điểm an toàn.

Mưa lũ lớn đã khiến 316ha diện tích lúa bị ngập, bồi lấp; trên 2.900 con gia súc và 471.000 con gia cầm các loại bị chết, cuốn trôi; hơn 578ha diện tích hoa màu các loại, 461ha diện tích cây trồng hàng năm bị thiệt hại, gần 297ha diện tích cây ăn quả bị thiệt hại; hơn 46.500 tấn lúa và 40 tấn gạo, gần 15 tấn khoai, sắn bị ngập, hư hỏng; hơn 1.305ha diện tích nuôi trồng thủy sản bị ngập, trôi…

[Thủ tướng quyết định xuất cấp 4.000 tấn gạo hỗ trợ nhân dân miền Trung]

Bên cạnh đó, lũ lụt đã khiến nhiều cơ sở hạ tầng, giao thông bị hư hại nghiêm trọng: 134 trạm bơm trạm bơm bị ngập, hư hỏng; 80 trạm viễn thông vẫn đang bị cô lập chưa ứng cứu được, 20 trạm bị mất liên lạc; 14 tuyến cáp 16Fo, 24Fo tập trung chủ yếu huyện Đakrông, huyện Hướng Hóa bị đứt.

Hiện nay, công tác ứng cứu gặp khó khăn do nhiều tuyến đường, khu vực bị cô lập do sạt lở và ngập lũ. Ngoài ra, hàng loạt các công trình thủy lợi, giao thông, đê điều, sạt lở bờ sông, bờ biển, giao thông, xây dựng, trường học, y tế... đang bị ngập sâu trong nước chưa thể kiểm tra, thống kê thiệt hại.

Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị cho biết trước tình những thiệt hại nặng nề do lũ lụt gây ra, tỉnh Quảng Trị đã thành lập các đoàn công tác do các đồng chí lãnh đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị làm trưởng đoàn, đi kiểm tra tình hình phòng, chống mưa lũ tại các địa phương.

Đồng thời, tỉnh chỉ đạo quyết liệt công tác ứng phó với mưa lũ, cứu nạn các thuyền viên bị nạn trên biển và tại các vụ sạt lở. Tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả của đợt mưa lũ vừa qua, trong đó tập trung cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ kịp thời các gia đình bị thiệt hại; cứu trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho các hộ dân bị thiếu đói, hộ còn bị cô lập, chia cắt, nhất là các hộ bị mất nhà cửa, hộ nghèo, gia đình chính sách, tuyệt đối không để người dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước uống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục

Bà Nguyễn Thị Nè, xã Phú Mỹ Hưng, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh, thành viên đơn vị A20 của Quân giải phóng có nhiệm vụ tiếp quản nguỵ quân đầu hàng vào ngày 30/4/1975. (Ảnh: Việt Đức/TTXVN)

Cùng nhau xây lại đất nước Việt Nam to đẹp hơn

Vậy là đã tròn nửa thế kỷ - 50 năm sau ngày 30/4/1975, tiếng vọng từ lịch sử đang giao hòa với cuộc sống hiện tại, trở thành niềm tự hào, hành trang quý giá để cả nước tiếp tục tiến vào kỷ nguyên mới.

Đàn Cò Ốc xuất hiện trên cánh đồng xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai. (Ảnh: TTXVN)

Bảo vệ đàn Cò Ốc quý hiếm xuất hiện tại Gia Lai

Những ngày qua, người dân xã Ia Mrơn, huyện Ia Pa, Gia Lai phản ánh về sự xuất hiện của đàn Cò Ốc (loài động vật hoang dã quý hiếm nằm trong Sách Đỏ Việt Nam) tại khu vực cánh đồng thuộc địa bàn xã.