IMF chấp nhận cải tổ

Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã thông qua đề xuất cải tổ

IMF đã ủng hộ đề xuất của G-20 về cải tổ tổ chức, trong đó có việc trao thêm quyền bỏ phiếu cho các cường quốc kinh tế mới nổi.
Trong một quyết định mang tính lịch sử, Ban giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) ngày 5/11 đã bỏ phiếu ủng hộ đề xuất của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20) về cải tổ IMF, trong đó có việc trao thêm quyền bỏ phiếu cho các cường quốc kinh tế mới nổi.

Phát biểu trong cuộc họp báo tại trụ sở IMF ở Washington, Mỹ, Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn nhấn mạnh: "Thỏa thuận lịch sử này là đợt cải tổ cơ cấu điều hành cơ bản nhất trong lịch sử 65 năm của IMF, và là sự thay đổi tầm ảnh hưởng lớn nhất từ trước tới nay theo hướng có lợi cho thị trường mới nổi và các nước đang phát triển, nhằm thừa nhận vai trò ngày càng quan trọng của họ trong nền kinh tế toàn cầu."

Thỏa thuận về cải tổ IMF nhằm tăng gấp đôi số vốn của tổ chức này và phân bổ lại số ghế đại diện trong ban lãnh đạo gồm 24 thành viên, đã được nhất trí trên nguyên tắc tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G-20 cuối tháng trước ở Hàn Quốc. Theo đó, hơn 6% tỷ lệ bỏ phiếu của các nước công nghiệp phát triển và các nước xuất khẩu dầu mỏ sẽ được chuyển cho các nền kinh tế mới nổi năng động.

Quyết định này đưa Trung Quốc trở thành quốc gia có tầm quan trọng thứ ba trong IMF, trên cả các cường quốc châu Âu như Đức, Pháp, Anh và chỉ sau Mỹ và Nhật Bản.

Thỏa thuận cũng tăng quyền bỏ phiếu cho 110 thành viên IMF và đưa các cường quốc mới nổi là Ấn Độ, Brazil và Nga vào tốp 10 vị trí đứng đầu trong thể chế tài chính thế giới gồm 187 thành viên này.

Các nền kinh tế mới nổi ngày càng có thêm ảnh hưởng trong IMF, song sự thay đổi ngày 5/11 có ý nghĩa quan trọng nhất tính tới thời điểm này. Đó là sự khởi đầu cho công cuộc cải tổ mạnh mẽ và toàn diện định chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới ra đời sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai, tiến tới xác lập một trật tự kinh tế toàn cầu mới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục