Quỹ Tiền tệ Quốc tế yêu cầu Peru khôi phục lòng tin và duy trì ổn định

Sau khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ ở mức 13,5% vào năm 2021, GDP của Peru đã giảm xuống còn 3,5% trong nửa đầu năm 2022 và sau đó xuống dưới 2% trong nửa cuối năm.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế yêu cầu Peru khôi phục lòng tin và duy trì ổn định ảnh 1Hành khách tới Machu Picchu (Peru) trên chuyến tàu hỏa đầu tiên được nối lại sau 3 tuần đình chỉ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 9/2, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tuyên bố triển vọng kinh tế của Peru là “rất không chắc chắn” và rủi ro suy giảm đang chiếm ưu thế, đồng thời kêu gọi chính phủ quốc gia Nam Mỹ này tìm cách khôi phục sự ổn định và niềm tin nhằm đưa đất nước quay lại con đường phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Tuyên bố của IMF được đưa ra sau khi một phái đoàn từ tổ chức tài chính đa phương này đến thăm Peru từ ngày 24/1-8/2 nhằm xem xét và thảo luận với chính phủ về tình hình kinh tế và các chính sách ưu tiên phát triển kinh tế.

Chuyến thăm của IMF diễn ra trong bối cảnh những bất ổn chính trị và xã hội làm lung lay niềm tin vào khả năng phục hồi của nền kinh tế quốc gia Nam Mỹ này.

[Peru triển khai gần 10.000 cảnh sát trước cuộc biểu tình mới tại Lima]

Peru đang trải qua cuộc khủng hoảng chính trị-xã hội nghiêm trọng kể từ ngày 7/12/2022 khi Tổng thống nước này lúc đó là ông Pedro Castillo bị Quốc hội phế truất và bị bắt giữ, mở đường cho bà Dina Boluarte lên đảm nhận chức Tổng thống lâm thời.

Những người ủng hộ ông Castillo yêu cầu bà Boluarte từ chức và tổ chức các cuộc bầu cử mới. Họ đã xuống đường biểu tình, phong tỏa các tuyến đường cao tốc, ảnh hưởng tới hoạt động vận tải cung ứng lương thực, nhiên liệu và các loại nhu yếu phẩm.

Theo IMF, Peru là quốc gia có thành tích kinh tế khả quan trong 25 năm qua. Việc thực hiện các chính sách phù hợp và khuôn khổ kinh tế vĩ mô vững chắc đã giúp nền kinh tế nước này có khả năng phục hồi tốt trong thời kỳ hậu COVID-19.

Tuy nhiên, hai tháng bất ổn chính trị đã đặt ra câu hỏi về sự ổn định kinh tế của quốc gia Mỹ Latinh này.

Sau khi nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ ở mức 13,5% vào năm 2021, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Peru đã giảm xuống còn 3,5% trong nửa đầu năm 2022 và sau đó xuống dưới 2% trong nửa cuối năm.

IMF cho rằng hoạt động kinh tế tại Peru sụt giảm là do chính phủ cắt giảm các gói kích thích kinh tế, trong khi điều kiện tài chính và nhu cầu bên ngoài xấu đi.

Ngoài ra, tình trạng lạm phát ở mức "cao hơn nhiều" so với các mục tiêu đặt ra, mặc dù giá cả tiêu dùng có xu hướng giảm nhẹ vào nửa cuối năm 2022.

Trong báo cáo, IMF nhấn mạnh triển vọng cho năm 2023 tại Peru là "rất không chắc chắn” và rủi ro suy giảm chiếm ưu thế.

Trong số các rủi ro bên ngoài, IMF đề cập đến tác động cuộc khủng hoảng Ukraine và sự suy giảm của nền kinh tế lớn trên thế giới.

Trong số các rủi ro nội bộ, tổ chức tài chính đa phương này đề cập đến bất ổn chính trị, bất mãn xã hội và thiên tai.

Các chuyên gia của IMF nhấn mạnh rằng những diễn biến chính trị gần đây cho thấy Chính phủ Peru cần phải khôi phục lòng tin, duy trì sự ổn định, đẩy nhanh cải cách cơ cấu để tăng cường hoạt động kinh tế, đồng thời giải quyết tình trạng bất bình đẳng, nghèo đói và những điểm yếu trong hệ thống giáo dục và y tế.

Cùng với đó, IMF khẳng định kiểm soát lạm phát là thách thức chính sách cấp bách nhất hiện nay đối với Peru, tuy nhiên tổ chức có trụ sở tại Washington (Mỹ) này cũng nhận định các chính sách do Ngân hàng trung ương Peru thực hiện nhằm kiềm chế giá tiêu dùng là “phù hợp” với tình hình.

Ngoài ra, IMF khuyến nghị Chính phủ Peru cần đẩy nhanh cải cách cơ cấu để giải quyết các tác động của đại dịch COVID-19 và loại bỏ các trở ngại đối với tăng trưởng bao trùm và bền vững.

Tổ chức tài chính đa phương này dự báo tăng trưởng GDP của Peru sẽ đạt khoảng 2,4% trong nửa đầu năm 2023 và 3% trong nửa cuối năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục