Romania và Bulgaria tiếp tục "lỗi hẹn" với Schengen

EU quyết định hoãn việc gia nhập khối Schengen của Romania và Bulgaria do chưa thỏa mãn các điều kiện đặt ra trong lĩnh vực tư pháp.
Một lần nữa, EU lại tiếp tục trì hoãn việc gia nhập khối Schengen của Romania và Bulgaria, cho dù hai nước này đã đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật.

Trong cuộc họp diễn ra tại Brussels ngày 7/3, Bộ trưởng Nội vụ các nước thuộc EU đã quyết định hoãn việc gia nhập khối Schengen của Romania và Bulgaria do chưa thỏa mãn các điều kiện đặt ra trong lĩnh vực tư pháp.

Bên lề cuộc họp, Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich đã tuyên bố "thời điểm" gia nhập khối Schengen của Romania và Bulgaria "chưa đến" và EU sẽ tiếp tục xem xét lại vấn đề này "từ nay đến cuối năm."

Hiệp ước gia nhập khối phải được các nước thành viên đồng ý, do đó Romania và Bulgaria phải thể hiện được rằng hai nước đã tích cực phòng chống tham nhũng và có các biện pháp kiểm soát biên giới hiệu quả vì khi trở thành thành viên của khối, biên giới của hai nước này sẽ là biên giới của Schengen.

Sau hai năm nỗ lực hết mình để đáp ứng các điều kiện của EU, quyết định nêu trên đã khiến các Bộ trưởng Nội vụ hai nước hoàn toàn thất vọng. Họ nhấn mạnh rằng chính phủ hai nước đã chi rất nhiều tiền để giải quyết các vấn đề còn tồn tại nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật để được gia nhập Schengen.

Một vài nước trong đó có Hà Lan lo ngại rằng nước họ có hệ thống an sinh xã hội rất tốt nên có nguy cơ phải tiếp nhận một lượng lớn người Romania và Bulgaria di cư sang để hưởng những chế độ này.

Tuy nhiên, Laszlo Andor, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu phụ trách các vấn đề xã hội đã nhấn mạnh là không một nước thành viên nào đưa ra được các bằng chứng về vấn đề nêu trên.

Ngoài ra, Bộ trưởng Nội vụ các nước Đức, Hà Lan, Anh và Áo đã đề cập nhiều đến vấn đề lạm dụng tự do đi lại tại EU trong nhiều diễn văn không chính thức và mong rằng Ủy ban châu Âu chấn chỉnh lại vấn đề này.

Bộ trưởng Nội vụ Đức Hans-Peter Friedrich còn cho rằng những người di cư chỉ để được nhận trợ cấp xã hội tại một nước có chế độ an sinh xã hội cao hơn cần bị trục xuất và cấm nhập cảnh vào nước đó trong một thời gian, giống như quy định đối với tội phạm. Ông cũng yêu cầu đưa vấn đề này vào chương trình nghị sự của phiên họp Bộ trưởng Nội vụ các nước thuộc EU tới đây.

Trong khi đó Ủy viên châu Âu phụ trách các vấn đề nội khối Cecilia Malmström thì cho rằng trong thời buổi khủng hoảng, việc công dân EU rời khỏi đất nước họ để tìm cách cải thiện cuộc sống tại một quốc gia thành viên khác có điều kiện tốt hơn là điều bình thường.

Cũng tại phiên họp này, dự án về "biên giới thông minh" cũng đã được Ủy ban châu Âu đưa ra. Dự án này nhằm cải thiện hệ thống giám sát tại biên giới các nước đồng thời tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những du khách không thuộc khu vực tự do đi lại tại châu Âu.

Hiệp ước Schengen hình thành khu vực tự do đi lại tại châu Âu được ký vào tháng 6/1990. Hiện nay, 26 nước là thành viên chính thức trong đó có 22 nước thành viên EU và 4 nước châu Âu khác không thuộc EU.

Romania và Bulgaria đã ký kết gia nhập Schengen từ tháng 1/2007, sau nhiều nỗ lực, việc gia nhập của hai nước đã được Nghị viên châu Âu phê chuẩn vào tháng 6/2011.

Tuy nhiên, vấn đề này đã bị Hội đồng Liên minh châu Âu phủ quyết vào tháng 9/2011 do lo ngại về những yếu kém trong công tác chống tham nhũng và tội phạm có tổ chức tại hai quốc gia nói trên./.

Hoàng Long/Geneva (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục