Sáng 31/10, thế giới ghi nhận hơn 247 triệu ca nhiễm COVID-19

Trên thế giới, tình hình dịch COVID-19 tại Đông Nam Á tiếp tục hạ nhiệt, trong khi Thủ tướng Đức cho biết Berlin sẽ tiếp tục giữ cam kết hỗ trợ 175 triệu liều vaccine cho các nước nghèo tới năm 2022.
Sáng 31/10, thế giới ghi nhận hơn 247 triệu ca nhiễm COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên tại Selangor (Malaysia). (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 8h sáng ngày 31/10 (giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận 247.113.354 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó số ca tử vong là 5.010.011 ca. Số bệnh nhân được điều trị khỏi là 223.836.939 người.

Tổng số ca nhiễm tại Mỹ hiện đã lên tới 46.799. 538 (tăng 26.355 trong 24 giờ qua), trong đó số ca tử vong là 766.117 (tăng thêm 350 ca), tiếp theo là Ấn Độ với tổng số 34.272.677 ca nhiễm, (tăng thêm 12.958 ca), trong đó số ca tử vong là 458.219 ca (tăng 446 ca).

Brazil có tổng cộng 21.804.094 ca nhiễm (tăng thêm 10.693 ca), trong đó có 607.764 ca không qua khỏi (tăng 260 ca). Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục xu thế hạ nhiệt, tổng số ca mắc mới đã lùi về quanh ngưỡng 30.000 ca/ngày; ca tử vong mới cũng giảm mạnh ở những quốc gia từng là điểm nóng như Indonesia, Malaysia...

Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 9 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines báo cáo 423 ca; Malaysia ghi nhận 95 ca; Thái Lan thêm 88 ca; Việt Nam 64 ca; Indonesia ghi nhận 27 ca tử vong mới; Singapore thêm 14 ca; Campuchia 8 ca, Lào và Brunei mỗi nước thêm 1 ca.

Hàn Quốc bắt đầu tiêm cho trẻ em từ 12-15 tuổi

Từ ngày 1/11, Hàn Quốc bắt đầu tiêm vaccine Pfizer phòng COVID-19 cho trẻ trong độ tuổi từ 12 đến 15 (trẻ có năm sinh từ 2006 đến 2009). Đây là một trong các biện pháp được áp dụng nhằm hiện thực hóa kế hoạch 3 giai đoạn “Chung sống với COVID” mà chính phủ Hàn Quốc vừa công bố.

Cũng bắt đầu từ ngày 1/11, Hàn Quốc sẽ tiêm mũi nhắc lại cho những bệnh nhân suy giảm miễn dịch như bệnh nhân ung thư máu, bệnh nhân ghép tạng và những người đang dùng thuốc ức chế miễn dịch.

Thông tin từ cơ quan phòng chống dịch quốc gia cho biết từ ngày 18/10, Hàn Quốc bắt đầu nhận đăng ký tiêm chủng cho trẻ từ 12 đến 15 tuổi và tính đến hết ngày 30/10, tỷ lệ đăng ký tiêm chủng khá thấp ở mức 26,4% tương đương với khoảng 493.055 trẻ đăng ký.

Tỷ lệ đăng ký tiêm chủng cho trẻ em có thể bị ảnh hưởng bởi vừa qua xảy ra trường hợp một học sinh lớp 10 tử vong, 75 ngày sau khi tiêm vaccine Pfizer vào hôm 13/8. Hiện nguyên nhân tử vong vẫn chưa được công bố.

Bắt đầu từ 15/11, Hàn Quốc cũng tiến hành tiêm bổ sung cho nhân viên y tế, những người ở độ tuổi 50 trở lên và có bệnh nền cùng những đối tượng thuộc nhóm ưu tiên như công an, quân đội.

Về nguyên tắc, có thể tiêm mũi nhắc lại 6 tháng sau lần tiêm chủng đủ 2 mũi. Tuy nhiên, đối với những người bị suy giảm miễn dịch thì có thể tiêm bổ sung 2 tháng sau đó khi hoàn thành 2 mũi và được khám sàng lọc. Tiêm vaccine bổ sung có thể được tiến hành nhiều lần theo khuyến cáo của bác sĩ ở vào thời điểm nhất định để củng cố tác dụng phòng bệnh.

Nga: Người đã tiêm vẫn có thể nhiễm bệnh

Tại Nga, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ học và Vi sinh vật học Quốc gia mang tên Gamaleya, ông Alexander Gintsburg ngày 30/10 cho biết những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn có thể nhiễm bệnh vì chủng Delta có đặc tính tương tác đặc biệt với cơ thể.

Ông Gintsburg cho biết thêm virus đã kịp xâm nhập vào các tế bào, do mức kháng thể bắt đầu giảm kể từ 6-8 tháng sau khi tiêm chủng và các tế bào nhớ còn lại bắt đầu sản xuất kháng thể vào ngày thứ 2 hoặc thứ 4 sau khi mắc bệnh, “song đã muộn.”

[Chuyên gia Nga giải thích sự nguy hiểm của chủng virus Delta]

Theo ông Gintsburg, virus lây lan từ tế bào này sang tế bào khác mà không rời khỏi chúng và tích tụ với số lượng rất lớn. Để liên tục có lượng kháng thể cao trong máu, cần tiêm nhắc lại sau mỗi 6 tháng.

Theo Tiến sỹ y khoa, Giáo sư, Chủ tịch Hiệp hội chuyên gia quốc tế về nhiễm trùng Irina Shestakova, trong số các chủng virus COVID-19 đang lây lan ở Nga, 98% là chủng Delta. Đồng thời, bà nhấn mạnh còn quá sớm để nói sự gia tăng tỷ lệ mắc bệnh COVID-19 có liên quan đến sự xuất hiện của chủng virus mới.

Bộ trưởng Y tế Nga, ông Mikhail Murashko cùng ngày cho biết nước này sẽ khuyến cáo chỉ sử dụng vaccine Sputnik Light ngừa COVID-19 do nước này sản xuất làm mũi tiêm tăng cường cho những người đã tiêm chủng.

Trước đó, Nga đã thông báo rằng Sputnik Light, trên thực tế là liều đầu tiên của vaccine Sputnik V hai mũi tiêm chủ yếu, như một loại vaccine độc lập hiệu quả cũng như vaccine tăng cường có thể kết hợp với các loại vaccine không do Nga điều chế.

Đầu tháng này Nga cho biết vaccine Sputnik Light đã chứng minh đạt hiệu quả 70% chống lại biến thể Delta ba tháng sau khi tiêm và có khả năng trở thành vaccine chính của nước này.

Đức cam kết tiếp tục hỗ trợ vaccine cho các nước nghèo

Phát biểu ngày 30/10 tại Rome bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), Thủ tướng Đức Angela Merkel cho biết Berlin sẽ tiếp tục giữ cam kết hỗ trợ 175 triệu liều vaccine cho các nước nghèo cho tới năm 2022.

Thủ tướng Merkel đã nhấn mạnh rằng sau cam kết hỗ trợ 100 triệu liều vaccine theo kế hoạch trong năm 2021, Đức sẽ tiếp tục hỗ trợ thêm 75 triệu liều vaccine cho các nước nghèo vào năm 2022. Một người phát ngôn Bộ Y tế liên bang Đức cho biết Berlin vẫn giữ những cam kết về lượng vaccine viện trợ cho các nước trong năm nay.

Sáng 31/10, thế giới ghi nhận hơn 247 triệu ca nhiễm COVID-19 ảnh 2Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Phnom Penh (Campuchia). (Ảnh: THX/TTXVN)

Tuy nhiên theo một số nguồn tin, Bộ Y tế Đức cũng cảnh báo nguy cơ khó đạt được mục tiêu hỗ trợ 100 triệu liều vaccine trong năm nay do liên quan tới vấn đề pháp lý khá phức tạp với các nhà sản xuất vaccine cũng như vấn đề hậu cần ở nước tiếp nhận. Cho tới nay, Đức mới chuyển giao được 17,6 triệu liều vaccine của hãng Astrazeneca cho các nước thứ ba.

Trên quy mô toàn cầu, các mục tiêu trong chương trình COVAX của Liên hợp quốc dường như đang bị tụt lại phía sau. Theo kế hoạch tới cuối năm nay sẽ phải có 2 tỷ liều vaccine được phân bổ cho các nước. Tuy nhiên, tính tới ngày 20/10, con số này mới chỉ đạt khoảng 386 triệu liều.

Chính phủ Đức cho rằng sự chấp thuận cần thiết từ các nhà sản xuất BioNTech và Moderna là trở ngại lớn trong việc chuyển lượng vaccine còn dư cho các nước thứ ba. Vấn đề nằm ở chỗ các công ty muốn tránh rủi ro trách nhiệm về pháp lý ở các nước thứ ba được nhận vaccine.

Do cần phải ký kết các hợp đồng mới cho việc chuyển tiếp vaccine nên đã làm chậm quá trình chuyển giao vacine cho các nước. Quốc vụ khanh Bộ Y tế liên bang Đức Thomas Steffen kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần phải gia tăng sức ép với các nhà sản xuất.

Trước đó tại Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới ở Berlin, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh rằng mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho 40% dân số mỗi nước vào cuối năm nay là "có thể đạt được" nếu các quốc gia và công ty kiểm soát nguồn cung vaccine lập tức biến lời nói thành hành động.

Theo ông, rào cản ở đây không phải nằm ở khâu sản xuất, mà ở ý chí chính trị và lợi nhuận. Ông kêu gọi các quốc gia đã đạt mục tiêu tiêu chủng 40% (bao gồm tất cả các nước thuộc nhóm nước công nghiệp và phát triển G20) cần ưu tiên cho chương trình tiêm chủng COVAX của Liên hợp quốc hoặc sáng kiến thu mua vaccine của châu Phi (AVAT)./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục