Sáng kiến chống dịch COVID-19 của ông Biden thành công hay thất bại?

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục kêu gọi viện trợ vaccine COVID-19 toàn cầu. Tuy nhiên, chủ nghĩa vị kỷ của các nước công nghiệp phát triển đang là trở lực lớn kìm hãm sự phân phối công bằng vaccine.
Sáng kiến chống dịch COVID-19 của ông Biden thành công hay thất bại? ảnh 1Vaccine phòng COVID-19 do hãng dược Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) phối hợp phát triển. (Ảnh: THX/TTXVN)

Bên lề kỳ họp lần thứ 76 của Đại hội đồng Liên hợp quốc, ngày 22/9/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về COVID-19. Báo Thời đại (Die Zeit) của Đức vừa có bài bình luận về sáng kiến tổ chức cuộc họp này của Tổng thống Biden, nội dung chính như sau:

Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục kêu gọi viện trợ vaccine COVID-19 trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, chủ nghĩa vị kỷ của các nước công nghiệp phát triển đang là trở lực lớn kìm hãm sự phân phối công bằng loại vaccine quan trọng này.

Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về COVID-19 do Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York là thành công hay thất bại? Có lẽ là cả hai. Đó là một thành công vì cuộc họp được phát sóng nhiều hơn mong đợi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, đó cũng là một thất bại vì kết quả đạt được ít hơn nhiều so với yêu cầu.

Cho tới nay, đã có khoảng 4,7 triệu người dân trên thế giới chết vì COVID-19. Với một nỗ lực to lớn, chỉ trong vòng 1 năm, các nước công nghiệp phát triển đã sáng chế thành công các loại vaccine COVID-19 hiệu quả.

Nhưng đáng tiếc là vaccine lại chủ yếu được phân phối cho chính các nước này. Trong một thời gian dài, các nước nghèo hầu như không tiếp cận được với vaccine.

Xét cho cùng, đây là lần đầu tiên kể từ khi đại dịch bùng phát, các nguyên thủ quốc gia và lãnh đạo chính phủ trên toàn thế giới cùng thảo luận với nhau và với các công ty dược phẩm, các nhà từ thiện và các tổ chức phi chính phủ về về cách thoát khỏi khó khăn trong việc phân phối vaccine hiện nay.

[Mỹ đề xuất tiêm tăng cường vaccine Pfizer cho người có nguy cơ cao]

Tổng thống Mỹ Joe Biden hoàn toàn đúng khi cho rằng đại dịch sẽ không kết thúc cho đến khi nó bị đánh bại trên toàn thế giới. Do đó, các nước công nghiệp phát triển không chỉ cần phải hào phóng tặng vaccine cho các nước nghèo hơn mà còn phải tạo điều kiện để họ có thể tự sản xuất vaccine cho mình.

Biden đã đề cập đến một "cam kết lịch sử" và đề nghị các quốc gia khác phải có những biện pháp thực tế hơn. Để làm gương, Mỹ cho biết họ kế hoạch tặng 1,1 tỷ liều vaccine cho các quốc gia nam bán cầu vào cuối năm sau.

Ông Biden cũng thông báo rằng Washington sẽ cung cấp 250 triệu USD cho một quỹ toàn cầu mới nhằm chống lại các đại dịch trong tương lai (dự kiến quỹ này sẽ có ngân sách khoảng 10 tỷ USD).

Một số quốc gia châu Âu cho biết họ cũng muốn tham gia vào quỹ này. Điều đó cho thấy ngay cả khi đang có sự rạn nứt lớn trong quan hệ Mỹ-Liên minh châu Âu (EU), các quốc gia châu Âu cũng vẫn thể hiện sự đoàn kết trong cuộc chiến chống đại dịch.

Họ không chỉ muốn cùng nhau phân phối vaccine một cách công bằng hơn mà còn muốn thúc đẩy quá trình hợp tác và phối hợp sản xuất vaccine ở các nước nghèo hơn.

Các nước nghèo cần 11 tỷ liều vaccine

Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ. Theo tính toán của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), để có thể kiểm soát đại dịch trên toàn cầu thì 70% dân số thế giới cần phải được tiêm chủng trong những tháng tới.

Nhưng trong điều kiện hiện nay, con số này chỉ cần đạt 60% thôi cũng đã là kết quả "mỹ mãn" rồi. Để đạt được mục tiêu đó thực sự vẫn còn một chặng đường rất dài. Vì các nước nghèo không chỉ cần 1 hoặc 2 tỷ liều vaccine, mà cần tới 11 tỷ liều.

Để có được số lượng vaccine lớn như vậy, hầu hết các chuyên gia đều cho rằng châu Á, châu Phi và Mỹ Latinh phải có khả năng tự sản xuất được vaccine càng nhanh càng tốt. Về mặt kỹ thuật, đây là một thách thức lớn.

Thế nhưng, khó khăn trước hết là ở chỗ nhiều hãng dược phẩm đang ngăn cản điều này, họ chỉ muốn phát hành miễn phí bằng sáng chế vaccine của họ sau khi đại dịch kết thúc.

Có một thực tế phũ phàng rằng theo dự án Dữ liệu thế giới (OWID) của trường Đại học Oxford (Vương quốc Anh), cho đến nay 79% tổng số trường hợp đã tiêm phòng vaccine COVID-19 là ở các nước giàu, chỉ 10% là ở các nước nghèo hơn, trong đó dưới 4% ở châu Phi.

Điều này không chỉ hoàn toàn do chủ nghĩa vị kỷ của các quốc gia giàu. Ở một số quốc gia bán cầu nam, sự thiếu giáo dục và thiếu hiểu biết của người dân đôi khi khiến họ không thấy hết vai trò của vaccine nên không tiêm, khiến cho nhiều lô vaccine phân phối cho các nước này bị hết hạn sử dụng.

Nhưng đó chỉ là một số trường hợp cá biệt. Rõ ràng, sự thiếu công bằng là rất lớn và sẽ không sớm mất đi. Nhiều bằng chứng cho thấy các quốc gia giàu có sẽ sản xuất nhiều vaccine hơn cho chính họ và lưu trữ chúng trong các kho lạnh của mình.

Một số nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng khả năng bảo vệ của vaccine giảm sau 6 tháng kể từ mũi tiêm thứ 2, do đó, nhiều quốc gia hiện cung cấp cho công dân của họ mũi tiêm bổ sung thứ 3.

Tuy nhiên, các nước công nghiệp phát triển càng giữ nhiều vaccine cho mình thì người dân bán cầu nam càng có ít cơ hội tiếp cận vaccine hơn. Nhu cầu rất lớn nhưng khả năng sản xuất có giới hạn, ngay cả đối với 1,1 tỷ liều mà nước Mỹ hứa tặng cho các nước khác, trong năm nay cũng chỉ có thể xuất xưởng được 300 triệu liều mà thôi.

Nguồn cung cấp khan hiếm cần được phân phối hợp lý hơn

Chính Tổng thống Joe Biden cũng phải nghĩ đến đất nước của ông trước tiên. Ông muốn tất cả những người Mỹ từ 16 tuổi trở lên, đã hoàn thành 2 mũi vaccine, sẽ được tiêm mũi thứ 3.

Sáng kiến chống dịch COVID-19 của ông Biden thành công hay thất bại? ảnh 2Tổng thống Joe Biden tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Nhà Trắng. (Nguồn: AP)

Tuy nhiên, cơ quan y tế FDA của nước này khẳng định rằng chỉ những người trên 65 tuổi và những người có vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe mới cần tiêm bổ sung mũi thứ 3.

Ông Biden tỏ ra khó chịu trước quyết định của FDA, nhưng các chuyên gia đưa ra lập luận rằng những người đã được tiêm chủng dù bị nhiễm COVID-19 cũng hiếm khi phải đến bệnh viện - ở Mỹ, tỷ lệ này chỉ là 2%, trong khi hơn 90% các giường chăm sóc đặc biệt chủ yếu là bệnh nhân COVID-19 chưa được tiêm chủng.

Do đó, các chuyên gia cho rằng việc cung cấp vaccine đang khan hiếm cho những người chưa được tiêm chủng - có thể ở Mỹ hay ở các nước khác - sẽ có ý nghĩa hơn nhiều.

Tổng thống Biden đang chiến đấu trên nhiều mặt trận

Khi Tổng thống Biden chính thức nhậm chức hồi tháng 1 vừa qua, ông đã hứa với người dân của mình rằng nước Mỹ sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào mùa hè hoặc chậm nhất là vào mùa thu này. Tuy nhiên, ông đã tính toán sai vì cho tới nay, mới chỉ có 55% người Mỹ trên 16 tuổi được tiêm đủ 2 mũi vaccine.

Cuộc chiến chống đại dịch vẫn dai dẳng và Tổng thống Biden phải chiến đấu trên nhiều mặt trận. Không chỉ chống lại sự trì trệ trong chiến dịch tiêm chủng và những người phản đối vaccine, ông còn phải chống lại các thống đốc quyền lực của Đảng Cộng hòa tại các bang như Texas, Oklahoma hay Nam Dakota.

Họ phản đối mệnh lệnh của ông Biden, rằng tất cả các nhân viên công vụ và người lao động tại các doanh nghiệp tư nhân phải có nghĩa vụ tiêm chủng. Thậm chí, một số thống đốc còn cấm các trường học yêu cầu giáo viên và học sinh đeo khẩu trang. Rõ ràng, việc đoàn kết trên vũ đài quốc tế dễ dàng hơn so với trên "sân nhà"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục