Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản tăng cạnh tranh trong thu hút FDI

Thông qua việc thiết lập diễn đàn đối thoại chính sách giữa nhà đầu tư Nhật Bản với các bộ, ngành của Việt Nam, sáng kiến chung góp phần tạo dựng môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch tại Việt Nam.
Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản tăng cạnh tranh trong thu hút FDI ảnh 1Sản xuất đồ điện gia dụng tại nhà máy của Công ty trách nhiệm hữu hạn Panasonic Life Solutions Việt Nam, VSIP ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tại cuộc họp tiền đánh giá cuối kỳ Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản giai đoạn 8 mới được tổ chức, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cho biết sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản đã góp phần không nhỏ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong việc thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) trên toàn thế giới.

Sáng kiến chung Việt Nam-Nhật Bản được khởi xướng từ năm 2003 và là sự hợp tác đặc biệt giữa hai Chính phủ Việt Nam và Nhật Bản.

[Việt Nam sẵn sàng hợp tác cùng Nhật Bản thực hiện mục tiêu toàn cầu]

Thông qua việc thiết lập một diễn đàn đối thoại chính sách giữa các nhà đầu tư Nhật Bản với các bộ, ngành liên quan của Việt Nam, sáng kiến chung góp phần tạo dựng môi trường đầu tư và kinh doanh thông thoáng, minh bạch tại Việt Nam.

Đồng thời, đưa ra những khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng, làm thông tin tham khảo trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách cho các cơ quan chức năng của Việt Nam.

Trong 20 năm thực hiện sáng kiến chung nhiều văn bản pháp luật đã được sửa đổi và ban hành.

Nhiều khuyến nghị chính sách mang tính xây dựng của phía Nhật Bản đã được các bộ, ngành liên quan tiếp thu, nghiên cứu để báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét trong quá trình hoàn thiện pháp luật, chính sách, cũng như tổ chức thực thi.

Phía Nhật Bản cũng đã xây dựng báo cáo đề xuất chính sách để phát triển và thúc đẩy đầu tư của doanh nghiệp nhỏ và vừa - những doanh nghiệp nắm giữ ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.

Việt Nam đã lọt top 20 nền kinh tế thu hút FDI nhiều nhất thế giới; trong đó, có sự đóng góp không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản thông qua triển khai sáng kiến chung.

Đến nay, Nhật Bản có gần 5.000 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 70 tỷ USD tại Việt Nam và theo kết quả khảo sát mới nhất của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO), 60% số doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam.

Ông Đỗ Nhất Hoàng khẳng định các bộ, ngành Việt Nam rất nỗ lực, phối hợp với phía Nhật Bản thực hiện tốt các nội dung cam kết trong kế hoạch hành động; sẵn sàng cùng với Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam và các đơn vị liên quan để triển khai thành công sáng kiến chung, làm căn cứ thảo luận các nội dung hợp tác phù hợp với hai bên trong thời gian tới.

Đại diện các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Công Thương, Lao động, Thương binh và Xã hội, Tài nguyên và Môi trường; các đơn vị trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng đại diện Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, JICA, JETRO, JBIC, Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam đã cùng thảo luận và đưa ra nhiều khuyến nghị về cơ chế hợp tác trong thúc đẩy đầu tư cơ sở hạ tầng theo phương thức đối tác công tư (PPP), công nghiệp hỗ trợ, phát triển nguồn nhân lực cao./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục