Sau hơn bốn năm thi công, Quốc lộ 25 vẫn dang dở

Khởi công từ 2008, nhưng sau hơn bốn năm, công trình nâng cấp Quốc lộ 25 vẫn dang dở, thậm chí tuyến đường này ngày càng xuống cấp.
Quốc lộ 25 là tuyến giao thông trọng yếu, đóng vai trò quan trọng thúc đẩy giao thương hàng hóa, phát triển kinh tế giữa hai tỉnh Gia Lai và Phú Yên.

Trải qua thời gian, tuyến đường bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng; nhiều đoạn không còn lớp nhựa bề mặt mà chỉ còn trơ lớp đá của nền đường khiến việc đi lại của người dân gặp rất nhiều khó khăn.

Năm 2008, tỉnh Gia Lai được Nhà nước đầu tư kinh phí nâng cấp tuyến đường này, đặc biệt là đoạn từ chân đèo Tô Na thuộc địa bàn huyện Krông Pa đến hết cầu Kà Lúi, điểm giáp ranh với huyện Xuân Hòa, tỉnh Phú Yên có chiều dài 40km do Ban Quản lý 6, Bộ Giao thông Vận tải làm chủ đầu tư. Tuyến đường được đầu tư nâng cấp khiến người dân trên địa bàn rất vui mừng.

Tuy nhiên, sau hơn bốn năm thi công, đến nay con đường vẫn dang dở. Ông Lê Văn Hạnh, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Gia Lai cho biết dự án Quốc lộ 25 được chia làm ba gói thầu và vốn đầu tư thuộc Bộ giao thông Vận tải.

Do thời điểm triển khai dự án gặp khó khăn về vốn (vốn có tới đâu thì thi công tới đó) nên công trình đang triển khai thi công phải dừng, qua thời gian, đặc biệt là qua vài mùa mưa công trình sẽ không tránh khỏi xuống cấp và gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước.

Hàng ngày, mật độ các loại phương tiện vận tải đi lại khá đông khiến con đường vốn đã hư hỏng nay càng tồi tệ hơn, mặt đường nham nhở đất đá, sống trâu, ổ voi; hai bên hành lang đường bị đào bới, xẻ rãnh thoát nước tứ tung. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc đi lại và phát triển kinh tế của người dân, mà còn là nguyên nhân gây ra những vụ tai nạn thương tâm.

Không chỉ gặp khó khăn trong đi lại, những hộ dân sống dọc hai bên tuyến đường này còn phải chịu thêm cảnh ô nhiễm do bụi bẩn. Mỗi khi có phương tiện giao thông trọng tải lớn đi qua là những cột bụi lại bùng lên dữ dội, theo gió len lỏi khắp mọi nơi, đâu đâu trên tường nhà, các vật dụng gia đình, cây cối ...cũng đều phủ một lớp bụi dày bạc trắng. Không những vậy, mỗi khi qua đoạn đường này, người lưu thông bằng xe mô tô luôn phải đối mặt với mối hiểm họa tai nạn giao thông.

Ông Ksor Bớ ở buôn H’Rốc, xã Chư Gu, huyện Krông Pa than thở: "Con đường này trước kia vốn đi lại đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn do tình trạng thi công dang dở khiến đường xuống cấp trầm trọng. Ngoài ra, người dân sống dọc hai bên đường khổ vì bụi. Để đảm bảo sức khoẻ và an toàn tính mạng cho mọi người dân, đề nghị cấp trên sớm thi công hoàn thành con đường này."

Là người dân có nhà ở ngay mặt đường nên anh Lê Văn Trường ở thôn Cầu Đôi, xã Chư Rcăm, huyện Krông Pa đã nhiều lần trực tiếp tham gia sơ cứu và đưa hàng chục nạn nhân bị tai nạn trên tuyến đường này tới trạm xá của địa phương.

Anh Trường bức xúc cho biết: "Mỗi lần có xe đi qua là bụi mù, hơn nữa, xe chạy hay lấn đường để tránh ổ voi nên rất dễ gây tai nạn. Chúng tôi rất mong Nhà nước sớm làm con đường này cho xong để người dân đi lại vừa đảm bảo an toàn giao thông vừa hạn chế bụi bặm, đảm bảo sức khoẻ cho mọi người."

Xác định đây là tuyến đường huyết mạch của địa phương nên chính quyền và nhân dân trên địa bàn hết sức đồng tình ủng hộ và tự nguyện triển khai nhanh các thủ tục giải phóng, đền bù, giải tỏa lộ giới, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thi công được nhanh hơn. Tuy nhiên đến nay việc thi công vẫn "dậm chân tại chỗ," gây nhiều bức xúc trong nhân dân.

Ông Tô Văn Chánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Krông Pa cho biết đây là tuyến giao thông huyết mạch để giao lưu hàng hóa, phát triển kinh tế giữa Tây Nguyên với đồng bằng. Huyện Krông Pa hy vọng tuyến quốc lộ này sớm được tiếp tục đầu tư để hoàn chỉnh, góp phần đảm bảo tốt đời sống dân sinh, giao thương hàng hóa được thuận lợi hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của huyện Krông Pa nói riêng và tỉnh Gia Lai nói chung cũng như cả vùng Tây Nguyên./.

Nguyễn Hoài Nam (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục