Saudi Arabia đã sẵn sàng cho mối quan hệ căng thẳng với Mỹ?

Để đối phó với sức ép của Mỹ, Saudi Arabia đang tìm kiếm cơ hội để đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí và xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng ở trong nước.
Saudi Arabia đã sẵn sàng cho mối quan hệ căng thẳng với Mỹ? ảnh 1(Nguồn: War on the Rocks)

Theo trang mạng eurasiareview.com, Saudi Arabia đang chuẩn bị cho một mối quan hệ ngày càng căng thẳng với Mỹ sau khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện Mỹ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra hôm 6/11 vừa qua, đồng thời nhấn mạnh những nỗ lực của Thổ Nhĩ Kỳ nhằm dồn vương quốc này vào chân tường trong cuộc khủng hoảng Khashoggi.

Để đối phó với sức ép của Mỹ, vương quốc này đang tìm kiếm cơ hội để đa dạng hóa các nguồn cung cấp vũ khí và xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng ở trong nước.

Riyadh cũng tập hợp các nguồn lực trong nước với những công bố tài chính và các dự án phát triển mới trong nỗ lực tăng cường sự ủng hộ của người dân đối với Thái tử Mohammed bin Salman.

Thắng lợi của đảng Dân chủ Mỹ đã góp phần củng cố thêm những quan ngại của Saudi Arabia rằng chính quyền Donald Trump có thể gây sức ép buộc vương quốc này từ bỏ những vấn đề chủ chốt như cuộc chiến ở Yemen vốn đã làm bùng nổ cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai và cuộc tẩy chay kéo dài 17 tháng cả về kinh tế và ngoại giao do Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) dẫn đầu nhằm vào Qatar.

Các quan chức Mỹ đã lập luận rằng các chính sách của Saudi Arabia làm phức tạp những nỗ lực của họ trong việc cô lập và làm suy thoái kinh tế Iran.

Giới chức Mỹ cũng thừa nhận rằng sự tẩy chay Qatar và tác động ảnh hưởng từ vụ nhà báo Jamal Khashoggi bị giết hại ở lãnh sự quán của Saudi Arabia tại Istabul trở thành những cản trở đối với việc thành lập một liên minh hồi giáo Sunni mới chống lại Cộng hòa Hồi giáo Iran, hay còn gọi là một NATO của thế giới Arab, cũng như những thành quả của Mỹ ở Trung Đông, bao gồm việc đối phó với bạo lực chính trị và đảm bảo duy trì một nguồn cung cấp dầu lửa miễn phí.

Chính quyền Donald Trump đã thể hiện những lo ngại trước khi xảy ra vụ sát hại nhà báo Khashoggi. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đã viết trong một bức thư gửi cho Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và Ngoại trưởng Mike Pompeo hồi cuối mùa Hè vừa qua rằng "Các đối tác khu vực của chúng ta đang ngày càng cạnh tranh mạnh mẽ và trong trường hợp của Qatar đã làm ảnh hưởng đến lợi ích của Mỹ nhưng lại làm lợi cho Iran, Nga và Trung Quốc."

Trước nguy cơ Quốc hội Mỹ sẽ có chính sách cứng rắn hơn đối với việc bán vũ khí cho vương quốc này và khả năng sẽ áp dụng biện pháp cấm vận vũ khí do cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Yemen có nguyên nhân từ các chiến dịch quân sự của Saudi Arabia và UAE, Riyadh đã không mất nhiều thời gian để tìm kiếm các nguồn cung cấp vũ khí mới.

Do quân đội Saudi Arabia đã quá phụ thuộc vào các trang thiết bị vũ khí của Mỹ và châu Âu nên rất khó để Riyadh chuyển sang sử dụng các hệ thống của Nga hoặc Trung Quốc và dường như chỉ có thể tập trung vào các nhà cung cấp phương Tây. Điều này cũng có thể là một mối nguy hại khi làn sóng chống Saudi Arabia bắt nguồn từ cuộc chiến ở Yemen trong các nghị viện châu Âu và các quốc gia như Tây Ban Nha, Đức đang dâng cao nhằm áp đặt các lệnh trừng phạt hoặc hạn chế các thương vụ vũ khí cho vương quốc này.

Tuy nhiên, Saudi Arabia trong những ngày gần đây đã ký hợp đồng liên doanh với công ty đóng tàu Navantia của Tây Ban Nha để đóng 5 chiếc tàu hộ tống cho hải quân nước này và đề nghị tập đoàn quốc phòng Denel thuộc sở hữu nhà nước của Nam Phi hỗ trợ 1 tỷ USD để giúp Riyadh xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng ở trong nước. Mối quan hệ đối tác với Denel cũng giúp Saudi Arabia có một phần đóng góp tối thiểu trong nhà thầu quốc phòng Rheinmetall của Đức chuyên sản xuất các loại xe chiến đấu bọc thép và pháo bức kích.

Với việc Quốc hội Mỹ đưa ra quyết định cắt giảm lượng vũ khí, Tây Ban Nha đã nhanh chóng đáp ứng nhu cầu của Saudi Arabia. Câu hỏi đặt ra là liệu Tây Ban Nha có thể đáp ứng đầy đủ yêu cầu của Saudi Arabia hay không? Quyết định từ chối cung cấp công nghệ máy bay tiên tiến không người lái của Mỹ do cuộc khủng hoảng vùng Vịnh và vụ sát hại nhà báo Khashoggi đã tạo cơ hội để Trung Quốc có được những thỏa thuận đầu tiên về việc cung cấp các sản phẩm quốc phòng cho vương quốc này.

Tập đoàn công nghệ và khoa học vũ trụ (CASC) thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc sẽ sản xuất CH-4 Caihong hoặc máy bay không người lái Rainbow cũng như cung cấp các trang thiết bị quân sự ở Saudi Arabia. CH-4 Caihong có thể sánh ngang với máy bay không người lái MQ-9 Reaper do Mỹ sản xuất.

Saudi Arabia cũng lo ngại rằng việc đảng Dân chủ kiểm soát Quốc hội sẽ làm gia tăng sự phản đối về một thỏa thuận năng lượng hạt nhân với Riyadh.

Vài ngày trước thời điểm diễn ra cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, 5 thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa đã kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngừng các cuộc đàm phán với Saudi Arabia.

[Mỹ sẽ buộc những kẻ sát hại nhà báo Khashoggi phải chịu trách nhiệm]

Phát triển ngành công nghiệp quốc phòng sẽ giúp Thái tử Mohammed đa dạng hóa nền kinh tế Saudi Arabia đồng thời tạo được công ăn việc làm cho người dân. Nhà Vua Salman đã chính thức công bố khởi công 259 dự án trị giá 6,13 nghìn tỷ USD từ các lĩnh vực du lịch, điện năng, môi trường, nước sạch, nông nghiệp, nhà ở, vận tải đến năng lượng nhân chuyến thị sát đến các tỉnh thành nhằm củng cố sự ủng hộ của người dân đối với chế độ cũng như đối với Thái tử Mohammed.

Mặt khác, quyết định mới nhất của chính phủ Saudi Arabia tái thực hiện tiền thưởng và các khoản trợ cấp cho viên chức dân sự và sĩ quan quân đội vốn đã được cắt bỏ từ năm 2016 như một phần của biện pháp "thắt lưng buộc bụng". Trong một động thái dân túy khác, Nhà Vua Salman còn giảm án cho các tù nhân phạm tội kinh tế và hứa hẹn sẽ trả các khoản nợ lên tới 267.000 USD/người.

Những động thái của Nhà Vua Salman dường như nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vũ khí của Saudi Arabia vào Mỹ và tạo thành một mặt trận thống nhất để đối phó với bất kỳ âm mưu nào cáo buộc Thái tử Mohammed có liên quan đến cái chết của nhà báo Khashoggi. Các động thái này được tiến hành khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho rằng mệnh lệnh giết nhà báo Khashoggi đến từ "người có chức vụ cao nhất trong chính phủ Saudi Arabia" và chính quyền Trump yêu cầu Riyadh cần nghiêm khắc với thủ phạm và những người chịu trách nhiệm về vụ giết hại đó.

Sự thất bại được nhìn thấy là việc thực thi hành động cụ thể có thể không cản trở được nhà vua Salman tập hợp các nguồn lực trong nước nhưng có thể làm suy yếu những đề nghị ở Washington cũng như ở châu Âu trong việc thực thi hành động cứng rắn hơn để buộc Saudi Arabia làm rõ vụ việc nhà báo Khashoggi, đồng thời chấp nhận một cách tiếp cận hòa giải chấm dứt cuộc chiến ở Yemen cũng như giải quyết cuộc khủng hoảng vùng Vịnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục