Séc ủng hộ giảm tiêu thụ năng lượng nhưng không nóng vội

Các chính khách ở Cộng hòa Séc đã lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi giảm tiêu thụ năng lượng nhưng họ không ảo tưởng rằng sẽ có sự biến chuyển nhanh chóng.
Séc ủng hộ giảm tiêu thụ năng lượng nhưng không nóng vội ảnh 1Bộ trưởng Công Thương Séc Jan Mladek.

Ngày 28/5, tại hội nghị "Kỳ vọng, thực tiễn, ý tưởng - năng lượng và một thập kỷ châu Âu" ở Praha, Ủy viên Liên minh châu Âu phụ trách năng lượng Guenther Oettinger đã kêu gọi các nước EU giảm phụ thuộc vào Nga bằng cách giảm tiêu thụ điện, dầu, khí và hợp tác trong việc cung ứng khí đốt.

Các chính khách ở Cộng hòa Séc đã lên tiếng ủng hộ lời kêu gọi này nhưng họ không ảo tưởng rằng sẽ có sự biến chuyển nhanh chóng.

Đài Radio Praha dẫn lời của Bộ trưởng Công Thương Séc Jan Mladek cho biết, Séc đang đàm phán với Ba Lan về việc tăng cường hợp tác về cung ứng khí đốt nhưng không phải là để phục vụ cho mùa Đông tới.

Theo vị bộ trưởng này, việc thành lập một liên minh năng lượng để thay mặt EU ký các hợp đồng mới về cung ứng khí đốt với Gazprom của Nga với giá ưu đãi hơn cũng khó thực hiện ngay do các bên bị ràng buộc bằng các hợp đồng dài hạn đã ký.

Về kế hoạch giảm tiêu thụ năng lượng do EU khởi xướng, Bộ trưởng Mladek nhấn mạnh: "Mục tiêu của việc tiết kiệm năng lượng do EU đưa ra rất thời sự đối với Séc nhưng không nên thực hiện bằng cách phi công nghiệp hóa. Bởi Séc là một nước công nghiệp."

Theo Bộ trưởng Mládek, Séc sẵn sàng ủng hộ mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng do EU đề xuất nhưng với điều kiện là phải có sự thỏa thuận rõ ràng về các thông số về khí thải trong khi vào thời điểm này các cuộc đàm phán vẫn chưa kết thúc.

Cũng trong ngày 28/5 các thành viên của phong trào bảo vệ sinh thái Greenpeace đã kêu gọi Thủ tướng Séc Bohuslav Sobotka hành động theo hướng giảm phụ thuộc vào năng lượng của Nga. Họ tập trung ở biên giới Séc-Slovakkia, treo khẩu hiệu lên trên đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang Séc.

Nội dung khẩu hiệu kêu gọi Chính phủ Séc chú trọng bảo vệ môi trường bằng cách giảm tiêu thụ năng lượng cũng như "quay mặt lại với các nguồn năng lượng sạch" như điện gió, điện Mặt Trời và xăng sinh học thay cho khí đốt và than đá./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục