Singapore đang khẩn trương dựng thêm một số bệnh viện dã chiến tại các khu trung tâm triển lãm trong bối cảnh số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tăng mạnh tại nước này.
Một trong những cơ sở đó là Trung tâm triển lãm Changi, nơi thường tổ chức Triển lãm hàng không Singpore - triển lãm hàng không lớn nhất châu Á - có thể phục vụ tới hơn 4.000 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ và đang phục hồi. Khu trong nhà cung cấp giường bệnh cho 2.700 người, trong khi khu ngoài trời đang được mở rộng với 1.700 giường bệnh.
Ngày 25/4, những bệnh nhân đầu tiên, chủ yếu là lao động người Bangladesh và Ấn Độ, đã được chuyển đến trung tâm triển lãm rộng lớn này.
Tại cơ sở y tế tạm thời này, các phòng được ngăn vách và trang bị vật dụng cơ bản với mỗi phòng dành cho 8-10 bệnh nhân. Mỗi phòng cũng trang bị máy đo huyết áp cũng như một số thiết bị y tế khác để bệnh nhân tự kiểm tra sức khỏe 3 lần/ngày.
Trong khi đó, những chú robot được điều khiển từ xa giúp mang đồ ăn và cung cấp dịch vụ điện tín để giảm thiểu việc tiếp xúc với bệnh nhân. Nhà chức trách cũng đang thử nghiệm tại cơ sở này chú chó robot của hãng Boston Dynamics để đưa thuốc cho bệnh nhân hoặc đo thân nhiệt.
Theo thành viên Ban tổ chức của trung tâm, Joseph Tan, lực lượng chức năng đã mất 6 ngày để thiết lập cơ sở hạ tầng tại đây. Ngoài ra, trung tâm triển lãm EXPO gần đó cũng đang phục vụ hàng trăm bệnh nhân COVID-19.
Theo Reuters, Bộ Y tế Singapore thông báo ngày 26/4, quốc đảo sư tử đã ghi nhận thêm 931 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm bệnh lên thành 13.624 người, trở thành một trong những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh tại châu Á, đứng đầu Đông Nam Á về số bệnh nhân.
Trong một thông cáo, bộ trên xác nhận phần lớn các ca nhiễm mới đều là lao động nhập cư sống tại các khu tập thể, ngoài ra có 15 ca bệnh mới là cư dân của Singapore.
Dịch bùng phát mạnh tại đảo quốc này do các ổ dịch tập trung tại những khu nhà ở chật chội của lao động nhập cư với hơn 300.000 người chủ yếu đến từ Nam Á.
Nhà chức trách đã chuyển một số điểm như doanh trại quân đội, nhà thuyền, trung tâm thể thao... để làm nhà ở tạm cho các lao động nước ngoài. Lực lượng chức năng đang khẩn trương dựng lều tại cảng container Tanjong Pagar, có thể làm chỗ trú tạm cho 15.000 lao động nhập cư.
Giới chức Singapore cho biết đang tiếp tục tìm thêm nhiều cơ sở để làm nơi cách ly các trường hợp lao động nước ngoài nghi ngờ hoặc mắc bệnh, cũng như nơi ở tạm cho các lao động đã hoặc đang bình phục.
[Hơn 1.100 nhân viên y tế của Philippines đã mắc COVID-19]
Trong khi đó, tại Thái Lan, giới chức nước này cho biết ngày 26/4 ghi nhận số ca mắc giảm với 15 bệnh nhân và không có trường hợp nào tử vong. Như vậy, tổng số ca mắc ở quốc gia Đông Nam Á này cho tới nay là 2.922 ca, trong đó có 51 ca tử vong.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, những ngày qua, số ca mắc ghi nhận theo ngày ở Thái Lan có xu hướng giảm, từ 54 ca hôm 9/4 dần xuống 13 ca ngày 23/4 và 15 ca ngày 24/4.
Tuy nhiên, nước này hôm 25/4 ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm với 53 ca, một phần do áp dụng cách tiếp cận phòng ngừa hơn khi 5 nước Đông Nam Á là Malaysia, Campuchia, Lào, Indonesia và Myanmar được đưa vào danh sách vùng có nguy cơ lẫy nhiễm cao và số lượng các ca nhiễm mới ở Singapore tăng lên..
Trong số 53 ca công bố ngày 25/4, chỉ có 11 ca lây nhiễm cộng đồng, trong khi 42 ca là những lao động nhập cư bất hợp pháp ở tỉnh Songkhla giáp với Malaysia. Ngày có số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 được ghi nhận cao nhất ở quốc gia Đông Nam Á này là 22/3 với 188 ca.
Theo giới chức y tế Thái Lan, đến ngày 26/4, đã có 2.594 bệnh nhân ở Thái Lan bình phục và hiện chỉ có 277 người vẫn đang được điều trị tại các bệnh viện.
Theo thống kê, độ tuổi trung bình của các bệnh nhân COVID-19 ở Thái Lan là 40 tuổi, trong đó bệnh nhân nhỏ tuổi nhất là 1 tháng tuổi và bệnh nhân cao tuổi nhất là 97. Giới chức y tế cảnh báo những người trong độ tuổi từ 20-29 tuổi là nhóm có nguy cơ lây nhiễm cao nhất./.