Singapore (Singapore), Helsinki (Phần Lan) và Zurich (Thụy Sĩ) là những thành phố thông minh nhất thế giới theo kết quả khảo sát chỉ số thành phố thông minh công bố ngày 17/9 trong bối cảnh ngày càng gia tăng tranh cãi về xu hướng thiết kế đô thị trong tương lai thời hậu đại dịch COVID-19.
Từ camera giao thông thông minh và dịch vụ taxi công nghệ đến giám sát ô nhiễm và sử dụng wifi miễn phí, các thành phố trên khắp thế giới đang chạy đua để nắm bắt công nghệ, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng người dân có thực sự cảm nhận được lợi ích hay không mới là vấn đề quan trọng.
Chuyên gia Arturo Bris thuộc Viện Phát triển quản lý quốc tế (IMD) có trụ sở tại Thụy Sĩ cho biết các thành phố thông minh trên thế giới không đơn giản chỉ là ứng dụng công nghệ mới mà còn phải đảm bảo rằng công nghệ đó thực sự cải thiện cuộc sống của người dân.
IMD đã thực hiện cuộc khảo sát đối với hơn 13.000 người tại 109 thành phố, trong đó tập trung vào việc người dân cảm nhận như thế nào về tác dụng của công nghệ trong 5 lĩnh vực, trong đó có y tế và an ninh, cơ hội, quản trị...
[Singapore, Trung Quốc thúc đẩy sáng kiến thành phố thông minh]
Theo IMD, ngoài 3 thành phố trên, các địa điểm khác cũng nằm trong số 10 thành phố thông minh nhất thế giới gồm Auckland (New Zealand), Oslo (Na Uy), Copenhagen (Đan Mạch), Geneva (Thụy Sĩ), Đài Bắc (Đài Loan, Trung Quốc), Amsterdam (Hà Lan), New York (Mỹ). Trong khi đó, Abuja và Lagos của Nigeria, cùng với Nairobi của Kenya đứng cuối cùng.
Chỉ số thành phố thông minh còn cho thấy nhiều quốc gia đang phát triển các thành phố thông minh mà không phải là thủ đô của nước đó. Cụ thể, thành phố Bilbao của Tây Ban Nha xếp hạng cao hơn thủ đô Madrid, tương tự thành phố Birmingham lớn thứ 2 ở Anh nhưng lại có thứ hạng cao hơn thủ đô London.
Theo ông Bris, những ưu tiên của các thành phố thông minh trong việc ứng dụng công nghệ cũng rất khác nhau. Thành phố Medellin của Colombia, từng nổi tiếng với các băng nhóm buôn bán ma túy nhưng hiện nay lại là "con đẻ" của kế hoạch thành phố thông minh, đã chứng kiến tỷ lệ tội phạm giảm sau khi người dân được sử dụng wifi miễn phí, điều mà giúp mọi người dễ dàng tố cáo tội phạm hơn.
Giới chuyên gia cho rằng đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự thay đổi hướng đến việc xây dựng các thành phố thông minh hơn và xanh hơn. Ông Bris cũng dự báo các dự án xây dựng thành phố thông minh có xu hướng hướng đến các thành phố nhỏ hơn.
Kết quả cuộc khảo sát cho thấy các siêu đô thị thường khó trở thành các thành phố thông minh hơn, cụ thể trong trường hợp của Singapore, Helsinki và Zurich, diện tích khiêm tốn của các thành phố này cho phép họ đầu tư đáng kể vào công nghệ mà mọi người dân có thể tiếp cận được./.