"Sinh viên Việt Nam phải vươn ra toàn cầu"

Theo giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch WEF, trong bối cảnh cạnh tranh, sinh viên Việt Nam phải vươn ra, trở thành một sinh viên toàn cầu.
"Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu như hiện nay, sinh viên Việt Nam không chỉ vùng vẫy trong một thế giới nhỏ bé là Việt Nam mà phải vươn ra và trở thành một sinh viên toàn cầu."

Giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) đã phát biểu như vậy trong cuộc đối thoại với sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh về “Cạnh tranh toàn cầu và vai trò của giới trẻ Việt Nam" diễn ra ngày 8/6.

"Muốn vậy, sinh viên Việt Nam phải không ngừng học tập, phấn đấu, đồng thời mở rộng các mối quan hệ, tìm kiếm cơ hội được khám phá thế giới, tiếp xúc với nhiều góc cách khác nhau của thế giới để tích lũy kinh nghiệm và học hỏi. Tự định hướng mà xác định hướng đi cho mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường,” giáo sư Klaus Schwab nói.

Khai thác kiến thức uyên bác của nhà kinh tế học nổi tiếng thế giới, sinh viên Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã đặt rất nhiều câu hỏi cho giáo sư Klaus Schwab và lắng nghe quan điểm, nhận định của ông về Việt Nam, về định hướng phát triển giáo dục của Việt Nam và nhiều vấn đề kinh tế-xã hội khác.

Rất ấn tượng với cách đặt vấn đề của sinh viên Việt Nam, giáo sư Klaus Schwab đã không ngại bày tỏ quan điểm của mình, nêu ra nhiều vấn đề cốt lõi để sinh viên sớm định hình và vạch ra hướng đi đúng đắn cho mình trong bước đường tương lai.

Giáo sư Klaus Schwab cũng chia sẻ với sinh viên Việt Nam những thông tin liên quan đến cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu vào cuối năm 2008 đã tác động như thế nào đến nền kinh tế thế giới, trong đó những quốc gia chịu ảnh hưởng mạnh nhất là các cường quốc có nền kinh tế phát triển mạnh như Mỹ, Nhật Bản.

Nguyên nhân của sự khủng hoảng này theo giáo sư Klaus Schwab là bởi những thể chế về kinh tế được thiết lập từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay đã không còn phù hợp nữa trước sự phát triển không ngừng nghỉ của các nền khoa học kỹ thuật và công nghệ. Trong đó có sự phát triển rất mạnh mẽ của công nghệ sinh học, đã tác động trực tiếp lên nền kinh tế toàn cầu.

Giáo sư Klaus Schwab đã mô tả sự va chạm của Thế giới cũ - thế giới với những thể chế, quan niệm cũ với một Thế giới mới với những tinh hoa của khoa học kỹ thuật và công nghệ. Từ đó tạo ra sự cạnh tranh gay gắt, quyết liệt trên các chính trước chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội... Vai trò của người lãnh đạo tương lai của thế giới trong thế kỷ 21 phải là một người không chỉ có kiến thức uyên bác, mà đòi hỏi tính nhạy bén, khả năng sáng tạo trong vận dụng kiến thức vào thực tế đời sống.

Nhân dịp này, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã trao bằng tiến sĩ danh dự về kinh tế học cho giáo sư Klaus Schwab vì những đóng góp to lớn của ông cho sự phát triển kinh tế thế giới./.

Hữu Duyên (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục