Síp đã bắt đầu nới lỏng quy định kiểm soát vốn

Sau khi Chính phủ Síp điều tra nguyên nhân khiến quốc đảo này ngấp nghé bờ vực phá sản, hoạt động kiểm soát vốn đã được nới lỏng.
Sau khi Chính phủ Síp mở cuộc điều tra về nguyên nhân khiến quốc đảo này ngấp nghé bờ vực phá sản (ở thời điểm trước khi đạt được thoả thuận cứu trợ), các hoạt động kiểm soát vốn đã được nới lỏng.

Sau cuộc đàm phán tại Nicosia với các chủ nợ quốc tế, Ngân hàng trung ương Síp tuyên bố nâng mức giới hạn đối với các giao dịch thương mại từ 5.000 euro lên 25.000 euro và cho phép người dân thanh toán giao dịch bằng séc lên tới 9.000 euro.

Yiangos Demetriou, một quan chức của ngân hàng trung Síp phát biểu trên đài phát thanh quốc gia Síp rằng, chủ của những tài khoản tiết kiệm có giá trị trên 100.000 euro tại ngân hàng lớn nhất Síp Bank of Cyprus sẽ được "tiếp cận" 10% tiền gửi của họ.

Đại diện của bộ ba chủ nợ - Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - đã đề nghị Nicosia cung cấp thêm thông tin trước khi nhất trí "giải phóng" toàn bộ 40% phần tiền còn lại của người gửi tiền. Chủ của các tài khoản lớn (trên 100.000 euro) đang đối diện với nguy cơ bị mất tới 60% vốn, phụ thuộc vào chi phí "khai tử" và sáp nhập một số mảng của ngân hàng lớn thứ hai Síp Laiki.

Sau khi mở cửa trở lại hôm 28/3, các ngân hàng Síp đã áp dụng các quy định kiểm soát vốn nghiêm ngặt. Trong bài trả lời phỏng vấn mới đây trên tờ Financial Times, Thống đốc Ngân hàng trung ương Síp Panicos Demetriades cho biết, việc kiểm soát vốn sẽ được nới lỏng dần theo từng giai đoạn.

Theo dự thảo của thoả thuận cho vay, bộ ba chủ nợ tỏ ý sẵn sàng dành cho Síp thêm thời gian để nước này đạt thặng dư ngân sách. Mục tiêu thời gian để Síp đạt thặng dư ngân sách sơ cấp 4% đã được dời sang năm 2017, thay vì năm 2016. Dự thảo nhấn mạnh, thu nhập của Chính phủ Síp giảm, trong khi chi tiêu xã hội tăng có thể khiến quốc đảo này rơi vào tình trạng suy thoái sâu. Và trong hoàn cảnh như vậy, Nicosia khó có thể củng cố tài chính công.

Tổn thất mà những người gửi tiền tại hai ngân hàng lớn nhất Síp phải gành chịu làm dấy lên sự phẫn uất đối với những người được cho là có được "lợi thế" một cách gian lận để "trốn" chia sẻ gánh nặng tài chính với đất nước. Trước những luồng tin cho rằng thân nhân của các chính trị gia hàng đầu Síp có được thông tin "mật" để bảo vệ tài sản của mình trước tác động của thoả thuận cứu trợ, Tổng thống CH Síp Nicos Anastasiades khẳng định, ngay cả gia đình Tổng thống cũng sẽ không được miễn điều tra.

Tổng thống Anastasiades kêu gọi uỷ ban điều tra - gồm các thẩm phán George Pikis, Panayiotis Kallis và Yiannakis Constantinides - trước tiên tiến hành điều tra ông và các thành viên gia đình ông để làm rõ cáo buộc họ đã rút nhiều tỷ euro từ ngân hàng trước khi các ngân hàng Síp tạm thời đóng cửa trong suốt gần 2 tuần cuối tháng Ba vừa qua.

[Đằng sau gói cứu trợ Síp: Những toan tính của EU]

Ngày 2/4, Bộ trưởng Tài chính Cộng hòa Síp Michalis Sarris đã đệ đơn từ chức và được Tổng thống Nicos Anastasiades chấp thuận. Theo ông Sarris, lý do khiến ông đưa ra quyết định trên có liên quan tới cuộc điều tra của chính phủ.

Bộ trưởng Sarris cho biết do từng đảm nhận chức Chủ tịch ngân hàng Laiki nên ông phải có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan điều tra. Trong khi đó, theo nguồn tin báo chí địa phương, chức Bộ trưởng Tài chính sẽ do ông Haris Georgiades, Bộ trưởng Lao động đảm nhận./.

Hương Giang (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục