Việt Nam hướng tới kiểm soát dịch HIV/AIDS, tạo điều kiện cho nhu cầu phát hiện và đáp ứng chùm ca nhiễm. Tuy nhiên, trong hai năm 2020 và 2021, số ca mới phát hiện toàn quốc tăng lên đáng kể so với 3-4 năm trước đó.
Tiến sỹ Trista Bingham-Trưởng nhóm quần thể đích, Trung tâm HIV & Lao toàn cầu của CDC Hoa Kỳ đã nhấn mạnh như vậy tại hội thảo tham vấn các nhóm cộng đồng về các nhu cầu và ưu tiên trong phòng, chống HIV/AIDS cho giai đoạn 2024-2026, diễn ra ngày 13/7 tại Hà Nội.
Cần tìm rõ nguyên nhân
Theo Bộ Y tế, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 của Liên hợp quốc. Đây là những mục tiêu hết sức quan trọng, có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung, để hướng tới mục tiêu 95-95-95 nhằm chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 theo Chiến lược quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ đề ra vào năm 2030.
[Người phụ nữ đầu tiên khỏi nhiễm HIV sau khi được ghép tế bào gốc]
Mục tiêu 90-90-90 được hiểu là 90% người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp (dưới 1000 bản sao/ml) để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, trên toàn quốc ước tính có tổng số 230.000 người nhiễm HIV, trong đó có 213.800 trường hợp báo cáo còn sống, số ca tử vong lũy tích: 110.990 ca.
Trong năm 2020, cả nước phát hiện thêm 13.000 trường hợp mắc mới HIV. Vào năm 2021, con số này vẫn khoảng 13.000 trường hợp mắc mới và trong 3 tháng đầu năm 2022 phát hiện thêm hơn 1.500 trường hợp mắc mới. Trong khi đó, các năm 2015, 2016, 2017, 2018, 2019 mỗi năm chỉ ghi nhận thêm khoảng 11.000 trường hợp mắc mới HIV.
Tiến sỹ Trista Bingham phân tích những năm qua, Việt Nam đã cố gắng đạt mục tiêu 95, nhưng vẫn còn có các khoảng trống chưa đạt được. Việc gia tăng đáng kể ca mắc mới HIV/AIDS trong hai năm qua có thể do nguyên nhân công tác xác định ca bệnh hơi chậm do ảnh hưởng của dịch COVID-19 dồn lại. Tuy nhiên, Việt Nam cần phân tích và tìm hiểu rõ nguyên nhân vì sao lại gia tăng mạnh hơn như vậy.
Tiến sỹ Minh Tâm-Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho hay số ca HIV/AIDS phát hiện mới gần đây chủ yếu là nam, tăng mạnh trong nhóm tuổi trẻ 20-29, với đường lây truyền qua tình dục là chủ đạo và tiếp tục tăng hàng năm. Đáng lưu ý, tỷ lệ nhiễm HIV/AIDS trong nhóm nam quan hệ đồng tính (MSM) cao nhất trong các nhóm và tiếp tục tăng qua các năm. Số ca nhiễm HIV mới gia tăng ở hầu hết các tỉnh khu vực, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đặc biệt trong nhóm MSM.
Hiện nay, xu hướng dịch trong nhóm nghiện chích ma tuý và phụ nữ bán dâm chững lại tuy nhiên vẫn là những mắt xích góp phần lây truyền HIV.
Nghiên cứu áp dụng các mô hình mới hiệu quả
Tại hội thảo, đại diện nhóm Family Thái Nguyên (hoạt động về quyền của cộng đồng người đồng tính, song tính và chuyển giới tại Thái Nguyên) cho hay nhóm thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ giảm hại cho cộng đồng MSM, hoạt động quyền của những người đồng tính. Trong trong 6 tháng đầu năm 2022, nhóm đã tiếp cận được 620 người, trong đó phát hiện12 người mắc HIV. Sau đó, 11/12 người đã được hỗ trợ điều trị ARV ngay sau khi có kết quả khẳng định.
Đáng lưu ý, khảo sát của nhóm cho thấy độ tuổi nhiễm HIV trong nhóm MSM ngày càng trẻ (là học sinh/sinh viên), nên quá trình kết nối điều trị gặp nhiều khó khăn vì phải có người giám hộ.
Tiến sỹ Minh Tâm cho hay trong giai đoạn tới, Dự án Vusta (Dự án Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS) cần tiếp tục triển khai mô hình dự phòng truyền thống như truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp vật phẩm can thiệp dự phòng, tư vấn và chuyển gửi KH đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cần thiết; đặc biệt cần nghiên cứu áp dụng các mô hình mới, phù hợp, hiệu quả…
Về các giải pháp trong thời gian tới, Tiến sỹ Trista Bingham cho rằng Việt Nam của cần thúc đẩy các dịch vụ chương trình lấy khách hàng làm trung tâm để duy trì liên tục điều trị bằng thuốc ARV.
Bên cạnh đó, Việt Nam cần thể chế hóa dịch vụ chăm sóc toàn thể, bao gồm gói nâng cao và sàng lọc/chuyển gửi đến dịch vụ chăm sóc bệnh kèm theo; Vận động cho các thuốc ARV mới và sử dụng khi có thuốc; giải quyết các khoảng trống để đảm bảo không bị gián đoạn dịch vụ khi chuyển đổi sang bảo hiểm y tế…/.